BÁO VĂN NGHỆ LÊN TIẾNG VỤ LUẬN VĂN NHÓM MỞ MIỆNG

Báo VĂN NGHỆ chính thức lên tiếng vụ Luận văn Thạc sĩ về Nhóm MỞ MIỆNG

Sau khi các báo Văn Nghệ TPHCM, Thanh Tra, Quân Đội Nhân Dân và Nhân Dân lên tiếng về luận văn thạc sĩ “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”, báo Văn Nghệ -cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn VN, trên số 28 phát hành ngày 13-7-2013, chính thức có bài “Một luận văn mơ hồ và sai lầm” ký tên Ban Lý Luận Phê Bình, khẳng định ở góc độ chuyên môn: “Luận văn này đưa vào phần trình thuật bối cảnh của nó những mô tả khá cẩu thả, sơ sài và sai lệch về Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn Nghệ cũng như nền văn học nước nhà nói chung. Những trình thuật kiểu đó trong bản luận văn luôn luôn có xu hướng mở rộng ôm đồm, mơ hồ, bao gồm nhiều trình bày khái niệm và cụm từ tương đương khái niệm như “một quốc gia hậu thuộc địa như Việt Nam”, “hậu đổi mới”, “quyền lực văn hóa”, “sự độc quyền văn hóa”, “cặp Hà Nội - Sài Gòn” v.v., tất cả đều quy chiếu các thực tại đa dạng phức tạp của đời sống xã hội đất nước với những hiện trạng - viễn cảnh và vấn đề lịch sử riêng, mà luận văn không tỏ ra nhận thức được, cũng không đưa ra nguồn tham chiếu phù hợp, chỉ sao chép sự mô tả giản lược từ đâu đó, hoặc võ đoán hoặc định kiến, không cân bằng khách quan, cũng không có gì là phát hiện”


.
Một luận văn mơ hồ và sai lầm

BAN LÝ LUẬN PHÊ BÌNH

Luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”, luận văn Thạc sĩ khoa học ngữ văn của Đỗ Thị Thoan với người hướng dẫn là PGS.TS. Nguyễn Thị Bình, tại Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2010 đáng lẽ đã rơi vào chìm khuất bởi nó thực sự không có giá trị khoa học. Nhưng sau đó lại xuất hiện loạt bài được tác giả luận văn thác triển và đăng tải trên website “damau.org” dưới cái tên Những tiếng nói ngầm đã thu hút một số nhà phê bình khác lần tìm đến bản luận văn này, phản bác những diễn đạt mơ hồ và hàm ý văn hóa - chính trị trong đó, như loạt bài phê phán của Nguyễn Văn Lưu trên Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, 30/5 – 20/6/2013 và các bài viết trên một số tờ báo khác. Nhiều người đã nhận ra ngoài các mơ hồ, sai lạc về mặt khoa học, nó còn ẩn chứa nhiều hàm ý khác về chính trị - xã hội không thể bỏ qua.
Luận văn này đưa vào phần trình thuật bối cảnh của nó những mô tả khá cẩu thả, sơ sài và sai lệch về Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn Nghệ cũng như nền văn học nước nhà nói chung. Những trình thuật kiểu đó trong bản luận văn luôn luôn có xu hướng mở rộng ôm đồm, mơ hồ, bao gồm nhiều trình bày khái niệm và cụm từ tương đương khái niệm như “một quốc gia hậu thuộc địa như Việt Nam”, “hậu đổi mới”, “quyền lực văn hóa”, “sự độc quyền văn hóa”, “cặp Hà Nội - Sài Gòn” v.v., tất cả đều quy chiếu các thực tại đa dạng phức tạp của đời sống xã hội đất nước với những hiện trạng - viễn cảnh và vấn đề lịch sử riêng, mà luận văn không tỏ ra nhận thức được, cũng không đưa ra nguồn tham chiếu phù hợp, chỉ sao chép sự mô tả giản lược từ đâu đó, hoặc võ đoán hoặc định kiến, không cân bằng khách quan, cũng không có gì là phát hiện. Hơn nữa, cái mà luận văn này tự xác định như một “góc nhìn văn hóa” về đối tượng nghiên cứu của nó lại có những biểu hiện hoang tưởng hiếu đại kỳ quặc; thí dụ như:
“Cùng với sự nổi tiếng của Mở Miệng, Nxb Giấy vụn đã trở thành một huyền thoại: Nxb ngoài luồng, huyền thoại về La Hán Phòng nơi hội tụ các anh em giang hồ, huyền thoại về sự thăm dò của an ninh, huyền thoại của những kẻ sẵn sàng “đái vào Chúa”… Những huyền thoại xây dựng hình ảnh Mở Miệng: Lạ, Phá Phách, phá hỏng tiếng Việt, phản kháng về chính trị, chống đối chính quyền. Họ là kết hợp của Cách Tân và Phản Kháng.” (tr.57)
Giọng xưng tụng khá nồng nhiệt dễ dãi này hẳn không phù hợp với giọng điệu khách quan chặt chẽ, chính xác, được trông đợi ở một văn bản nghiên cứu khoa học, vậy nhưng nó lại đã được cấp cho cái tư cách đó. Đây là một điểm then chốt của trường hợp này. Bởi nếu chuỗi bài viết này chỉ đăng tải tự do trên internet chứ không tập hợp thành một “luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn”, rồi được thông qua và bảo vệ thành công, thì hẳn mấy ai biết có những ai chú ý. Nhưng nó đã đưa được vào chỗ “trung tâm”, vào hệ tri thức “chính thống” một bản văn đả phá “trung tâm” và “chính thống”. Và có lẽ chẳng hài hước chút nào nếu như về sau chính bản luận văn này sẽ được ai đó kể đến như một trường hợp thành công “huyền thoại” của trào lưu phản - văn hóa ở Việt Nam, giống như những “thực hành thơ”, “thơ dơ, thơ rác, thơ nghĩa địa” mà luận văn này chọn làm đối tượng. Những điều như thế khiến chúng tôi thấy cần phải tham gia bàn thảo...

1 - Góc nhìn cá nhân, góc nhìn khoa học hay… góc nhìn khác?
Cần phải nói ngay rằng chúng tôi thất vọng khi đọc một luận văn thạc sĩ kém tinh thần khoa học và năng lực nghiên cứu, lỏng lẻo tùy tiện về cấu trúc các chương mục đến như bản luận văn này.
Và cũng phải nói ngay, năng lực đọc văn chương thể hiện qua các nhận định tràn lan trong luận văn là rất đáng ngờ; chẳng hạn, ở trang 38:
 “Tập truyện ngắn gần đây của Bảo Ninh với nhan đề “Chuyện xưa, kết đi được chưa?” (NXB Văn học, 2009) có thể đọc như một nỗi bức bối day dứt với chính sự ám ảnh dai dẳng mà như vô vọng của nỗ lực xóa bỏ quá khứ, xóa bỏ việc định nghĩa lại quá khứ, cái quá khứ đã thành lực cản khủng khiếp.” (những chữ in đậm trong các trích dẫn luận văn này kể từ đây đều do chúng tôi nhấn mạnh)
Với cái văn phong rườm rà cảm tính biểu thị một nhận thức mơ hồ, một nhận định như thế là rất khiên cưỡng và sai lầm, chỉ chứng tỏ người đọc này không hiểu nổi các tác phẩm này cùng các ngữ cảnh đặc trưng của nó, và do đó, tính đa nghĩa văn chương và những ý nghĩa có thể có của các văn bản.
Hoặc nữa, nếu người đọc này muốn xác lập kiến giải mới mẻ riêng của mình về một tác giả - tác phẩm đã rất nổi tiếng và được thảo luận nhiều suốt hơn hai mươi năm qua như Bảo Ninh và các truyện của ông, thì phải trình bày, ít ra là vắn tắt, luận chứng phù hợp với văn cảnh khoa học của một luận văn nghiên cứu. Hoặc, khi bàn về một hiện tượng văn học trong quá khứ như nhóm “Nhân văn giai phẩm”, không thể chỉ quy chiếu ở một góc nhìn, một hệ quan điểm và cần phải có những luận cứ khoa học nghiêm túc hơn. 
Điều bất ngờ bộc lộ ở nhận định trên, là cái tâm thế của người: những cụm từ do chúng tôi nhấn mạnh (in nghiêng) trong trích dẫn trên không mô tả được ý nghĩa hay tinh thần các truyện ngắn của Bảo Ninh trong tập truyện đã dẫn, nhưng lại mô tả được chính tinh thần của luận văn này, bởi sự lặp lại các diễn đạt trùng ngôn: nỗi bức bối day dứt - sự ám ảnh dai dẳng vô vọng/ nỗ lực xóa bỏ quá khứ  - việc định nghĩa lại quá khứ. Và lối diễn đạt cảm tính, khoa đại như thế xuất hiện với tần suất cao trong suốt cả bản luận văn,  các chương đoạn về cơ sở lý thuyết của luận văn cũng biểu cảm như trong mô tả về đối tượng nghiên cứu – mà thực ra, không đủ cả lý thuyết lẫn mô tả, chỉ lặp lại các diễn đạt cố gắng giải thích lẫn nhau, cố gắng cho có vẻ tư biện.
Việc luận văn này tự đưa ra bằng cớ đa số là các chứng cứ chưa xác định, hoặc các trích dẫn lấy từ các trang mạng cộng với sự đọc sai lạc của nó đối với những truyện ngắn rất giản dị, minh bạch, rất khó để mà nhầm lẫn, như trong thí dụ vừa dẫn, khiến chúng tôi phải cho rằng việc đọc của nó với chính đối tượng nghiên cứu của nó cũng là không đủ độ tin cậy. Và khiếm khuyết của luận văn này trên phương diện ngữ văn học bộc lộ đồng bộ với cái yếu và thiếu của nó với tư cách một diễn ngôn khoa học: không khách quan về cách tiếp cận, không minh bạch về thuật ngữ, không minh định về các khái niệm vận dụng, không khẳng định được lợi ích của nghiên cứu và đối tượng thụ hưởng.
Tính không khách quan được nhìn nhận như một tiền đề của luận văn này, và lập tức bộc lộ tính nước đôi mâu thuẫn sẽ đi suốt văn bản này:
“tính chất khách quan của nghiên cứu không được đề cao, bởi tôi sẽ thấy mình không có tâm thế để nói/viết về hiện tượng này, nếu như tôi không can dự phần nào vào đời sống thơ đương đại, như một kẻ “ở giữa”, cũng là một kẻ “ngoài lề” khi trực tiếp hay gián tiếp lựa chọn đứng về phía những cái bên lề. Tuy nhiên, tính chất không hoàn toàn khách quan và sự trải nghiệm này có thể góp thêm vào những diễn giải về một hiện tượng chưa hoàn tất, nói riêng Mở Miệng và nói chung về dòng văn học ngầm ở Việt Nam. Nỗ lực của tôi là nỗ lực của kẻ quan sát và tái hiện, dưới góc nhìn cá nhân đối với một hiện tượng đáng kể về văn học và văn hóa nói chung trong nhiều năm qua ở Việt Nam.” (tr.5)
Có thể thấy ngay cái gọi là “góc nhìn văn hóa” nêu trong cái tên của luận án trùng khớp với khẳng định góc nhìn cá nhân; và suốt cả luận án này không có chỗ nào giải thích quan niệm tác giả về “văn hóa”/ “góc nhìn văn hóa” – điều không hợp lý khi luận văn đã lựa chọn và khẳng định đối tượng nghiên cứu là một hiện tượng đặc biệt về văn hóa. Thêm nữa, khẳng định về tham gia vào “sự trải nghiệm này”, “lựa chọn đứng về phía” đối tượng nghiên cứu, đã cung cấp cho người nghiên cứu một vị trí người - trong - cuộc, chính là cái kinh nghiệm được cho là “có thể góp thêm vào những diễn giải” về đối tượng, rồi gọi đó là nỗ lực của kẻ quan sát và tái hiện, mà không hề làm rõ khoảng cách cho việc quan sát hay sự khác biệt để cho phép hoặc cản trở việc tái hiện – những yếu tố mà một luận văn cao học phải trình bày về nghiên cứu của mình.
Dường như tác giả nhầm lẫn khi chỉ nêu hạn chế là “Sức hấp dẫn của đối tượng… không đem lại sự tự do cho người nghiên cứu” (tr.5) – điều có thể ngầm hiểu, thông qua các trình bày về sau của luận văn, là do đối tượng nghiên cứu bị thể chế hiện hành cấm đoán. Nhưng những hạn chế của nghiên cứu còn xuất hiện từ chính năng lực và phương pháp của nó, hay từ quan hệ riêng của nó với đối tượng.
Quan điểm góc nhìn cá nhân này rõ hơn trong nhận định của luận văn về hai luận văn khác cũng đề cập đến Mở Miệng “nhưng mang tính chất điểm danh và “nói theo” hơn là bộc lộ sự đọc, chia sẻ.” hay “dè dặt trong việc tiếp cận hay đánh giá.”(tr.7)
Vậy là tính khách quan của “nghiên cứu” này đi từ chỗ “không được đề cao” đến chỗ “không hoàn toàn”, mập mờ với việc “can dự phần nào”, chập mạch với “sự trải nghiệm” đó, rồi có vẻ hiện ra lại với khẳng định “nỗ lực của kẻ quan sát và tái hiện” để nhằm “tái dựng một hiện thực như - nó - là”(tr.18).
ở đây, nếu vẫn muốn là “khoa học” thì sẽ không được phép hy sinh tính khách quan dù với lý do nào. Các diễn đạt mơ hồ về “tính khách quan không được đề cao” lẫn tính khách quan “không hoàn toàn” chỉ có thể hiểu là không có nổi tính khách quan cần thiết, hay một ngụy biện lúng túng về tiêu chuẩn khách quan cho góc nhìn cá nhân.
Phá bỏ ngay từ đầu nguyên tắc và các tiêu chuẩn về tính khách quan của một nghiên cứu, theo chúng tôi, đã là phá bỏ tư cách nghiên cứu khoa học của luận văn này, để chỉ còn lại sự lúng túng và nhầm lẫn của “một góc nhìn cá nhân”.
Chúng tôi cho rằng ở đây chủ yếu là những lúng túng và nhầm lẫn trong việc cố gắng quan sát và lý giải một đối tượng đặc biệt đang diễn tiến, trước hết bởi sự mơ hồ về năng lực đọc - hiểu tác phẩm văn học như đã dẫn ở trên, sau là bởi sự mơ hồ trong cách sử dụng các thuật ngữ từ loại phổ biến đến loại đặc thù trong các diễn đạt của luận văn này.

2 - Sự hỗn độn, mơ hồ của những khái niệm
Về tổng thể, luận văn này có hai giọng điệu, một giọng đậm dấu ấn “góc nhìn cá nhân”, giọng kia khá hỗn độn do lấy vào từ các nguồn khác nhau mà đôi khi không cước chú về nguồn. Chúng tôi sẽ chọn ngẫu nhiên một vài thí dụ để thấy cái cách thức chung của sự nhầm lẫn ở đây, bởi những diễn đạt của “luận văn” đơn điệu giống nhau từ đầu đến cuối, không hề phân biệt giữa mô tả với phân tích, giữa trần thuật với nhận định/đánh giá.
Lưu ý rằng suốt cả luận văn không có chỗ nào minh định quan niệm về những khái niệm như “hệ thống”, “tổng thể”, “bản chất”, v.v. mà có lẽ tác giả cho là ai cũng hiểu như mình, trong khi vận dụng một vài (mảnh) lý thuyết phương Tây làm khung cho nghiên cứu, mà với những lý thuyết ấy thì những khái niệm chung kia phải được quan niệm lại; và trong khi đối tượng được đề cập có quy mô nhỏ đặc thù, có những liên hệ phức tạp với “xã hội” và “văn hóa”. Tinh thần khoa học biến mất trong các mối tơ vò của luận văn, bởi đã bỏ qua nguyên tắc về thứ nguyên phân loại; và bỏ qua tính tương đối khi cố lập ra những mối quan hệ giữa những thứ sẽ phải biến đổi khi có liên hệ với nhau.
Đây là một trong những mớ bòng bong đó:
“Ở đây quan niệm văn hóa như một tổng thể lại cần được xác định. Mỗi cấu trúc xã hội đều hướng tới sự duy trì những giá trị tổng thể của hệ thống, trong đó thiết lập những thứ có thể tạo nên “trung tâm” của nó để làm trục vận động xã hội. (i)
Trung tâm này thường được nhìn như một bức thành cố định, rắn chắc, khó lay chuyển; và khi nó được thừa nhận , nó củng cố vị trí và sự rắn chắc của nó bằng việc gạt bỏ và chèn ép những cách thức tồn tại khác, những Cái Khác (Others) hoặc muốn tồn tại, những cái khác đó phải ở bên lề, hay phải ngoại vi hóa. (ii)
Có thể hình dung diễn ngôn văn hóa, trong đó có văn học, như một sân chơi, mà người tham gia phải tuân theo những luật lệ định sẵn. Những cuộc nổi loạn trong văn học – thường được gắn kèm với danh từ “cuộc chơi” – thực ra lại là cuộc chơi nhằm phá hủy diễn ngôn quyền năng này và duy trì một quyền năng khác.(iii)
Do đó, trong cấu trúc tổng thể này luôn ngầm diễn ra một mối quan hệ xung đột về quyền lực, với nhu cầu thay thế, chiếm chỗ. Và do đó, cái thường được xem là giá trị (tức cái trung tâm hiện hữu) không phải cái phổ biến, cái bất biến mà có tính điều kiện, phụ thuộc vào những bối cảnh về văn hóa, xã hội, chính trị cụ thể, trong đó, một trung tâm đang tồn tại có thể bị hủy bỏ quyền lực, giải cấu trúc, hay “giải trung tâm”. (iiii)
… Quá trình giải trung tâm, quá trình phá vỡ những điều kiện của luật chơi trong sân chơi văn hóa cũng chính là cái gọi là “bản chất chính trị của văn hóa.” (iiiii) (tr.21)
Đoạn trích trên diễn đạt một ý đồ lập luận dựa trên quan hệ nhân - quả nhằm dẫn giải căn cứ lý thuyết về “trung tâm” và “giải trung tâm” thông qua bước “nổi loạn” của  “văn học” như là “Cái Khác”. Nhưng người viết đã tự phá ý đồ đó của mình bởi những bước sai lầm lúng túng và tham vọng ôm đồm; cũng còn bởi những lỗi diễn đạt trong câu tiếng Việt – những lỗi diễn đạt trong một trình bày học thuật thường biểu thị sự hiểu mù mờ của người diễn đạt.
Đoạn văn trên mở đầu bằng ý xác định lại “văn hóa như một tổng thể”, mà theo trật tự trình bày, có thể thấy “tổng thể” đó gồm chứa những “cấu trúc xã hội”, “trung tâm”, ‘những cách thức tồn tại khác” - “những Cái Khác”, “diễn ngôn văn hóa” - “văn học” - “sân chơi”, “một mối quan hệ xung đột về quyền lực”, “giá trị” - “những giá trị tổng thể”, “những bối cảnh về văn hóa, xã hội, chính trị cụ thể”, “Quá trình giải trung tâm”, rốt cục là “bản chất chính trị của văn hóa”.
Hơn nữa, những khái niệm như “trung tâm ngoại biên” dẫn đến “giải trung tâm”, từ phản biện “đến nổi loạn”, “phản kháng” từ “thiêng hóa” đến “giải thiêng” hạ bệ thần tượng là những khái niệm không chỉ mang tính văn hóa mà còn mang tính chính trị - xã hội cao, khi sử dụng phải hết sức cẩn trọng và có trách nhiệm, không thể buông tuồng tùy tiện như đã được sử dụng trong luận văn này và cả loạt bài mà tác giả đã triển khai công bố trên các trang mạng.

3 - Và những lỗi sơ đẳng của tư duy và diễn đạt
Có thể thấy ngay rằng giữa những yếu tố vừa liệt kê trên không có được loại quan hệ “như một tổng thể”. Hẳn người viết cho rằng vì chúng có khả năng chứa đựng hay ngoại suy lẫn nhau, nên chúng “như một tổng thể”. Nhưng đó là một lỗi logic sơ đẳng: nếu đặt chúng trong quan hệ chứa đựng lẫn nhau, thì ngay ở đoạn (i), “tổng thể” văn hóa sẽ phải loại trừ “Mỗi cấu trúc xã hội”, hoặc ngược lại, vì “mỗi cấu trúc” đó đã phải là “một tổng thể” rồi.
Sẽ thấy rõ hơn cái lỗi đó khi nhìn vào các lỗi diễn đạt tiếng Việt tối nghĩa:
Câu thứ hai của đoạn (i), “Mỗi cấu trúc xã hội” làm chủ ngữ cho “sự duy trì”, “thiết lập” “trung tâm” của nó để làm “trục vận động xã hội”; thế mà ngay sang câu đầu của đoạn (ii), thì cái “trung tâm” ấy lại phải đóng vai một chủ ngữ giả, chịu điều kiện hóa một cách bâng quơ là “khi nó được thừa nhận” (thì nó sẽ chèn ép “những Cái Khác”…)
Thật kỳ quặc khi cho rằng cái “trung tâm” đã làm “trục vận động” của “cấu trúc xã hội” lại phải chờ đến “khi được thừa nhận” mới “vận động”. Cái gì sẽ đứng ra “thừa nhận” nó? “Mỗi cấu trúc xã hội” nào khác hay sao?!
Chúng tôi hiểu được ý lập luận của đoạn này, và tin rằng có nhiều người hiểu điều đó. Song, văn bản, lại là văn bản mang danh khoa học, luôn có tính pháp lý của trật tự văn bản. Theo đó thì hai câu dẫn trên đây phải phủ định lẫn nhau. Và toàn thể đoạn luận nói trên cũng tự giải thể theo cách đó.
Những lỗi lập luận, lỗi logic cùng với lỗi văn bản tương tự là một đặc điểm xuyên suốt bản luận văn này, khiến chúng tôi phải nghĩ rằng liệu người viết có ý thức rõ ràng về những điều mình viết ra hay không, kể cả những phần dường như lấy lại từ cái viết khác nào đấy.
Sự nhầm lẫn và nhận thức mơ hồ trong luận văn này còn một khía cạnh cần nói nữa, là mơ hồ về ngay thực tại đời sống hôm nay đất nước, khi nó bàn đến biện giải về “mỹ học của cái tục” (tr.82) trong cái đối tượng “nghiên cứu” chủ yếu, là thơ của nhóm Mở Miệng.
Dùng những diễn đạt khái quát hóa và tuyệt đối hóa một cách vội vã là một dạng khác của lỗi tri thức và lỗi văn bản ở đây:
“Văn thơ cách mạng đã “ý thức hệ” toàn bộ ngôn ngữ, thành một hệ ngôn ngữ công thức, hoàn toàn xa rời đời sống. Cái tục ở đây, liên quan đến những taboo khác là chính trị và tình dục. Liên quan đến chính trị khi nó văng tục để chửi, để căm uất, liên quan đến tính dục khi nó gọi tên và miêu tả các bộ phận sinh dục và hành vi tính giao bằng từ ngữ nguyên thủy của nó. Rõ ràng cần phân biệt cái tục như chất liệu của đời sống tự nhiên [không phải là chỉ của đô thị, có khác chăng là trong bối cảnh văn minh đô thị, cái tục được biểu hiện rõ hơn như cấm kỵ, trong khi, ở các làng quê chẳng hạn, cái tục được phát ngôn tự do hơn] và cái cách ứng xử với nó. Khác với các tiểu thuyết hiện thực thường được cho là có “quyền” đưa nguyên đời sống với ảo tưởng tái hiện sự thật chân thực, còn trong thơ, văng tục bị loại trừ, bị chèn ép.” (tr.88)
Thành thực mà nói, chúng tôi chưa từng hình dung một cử nhân ngành ngữ văn sẽ viết ra một đoạn văn đầy lỗi kiến thức sơ đẳng về ngôn ngữ và về đời sống như đoạn trích trên; Người viết này đã lướt qua những sách vở nào về ngôn ngữ để thấy được một hiện tượng “ý thức hệ” toàn bộ ngôn ngữ” hay một “hệ ngôn ngữ công thức, hoàn toàn xa rời đời sống”? Chẳng có thứ “ngôn ngữ” nào xa khỏi “đời sống” được, khi mà chúng chỉ hiện hữu trong “đời sống”, kể cả các tử ngữ. Có lẽ tác giả luận văn không ý thức được quy mô nội hàm của các khái niệm lớn như “ngôn ngữ” và “đời sống”, cũng như mối quan hệ phổ biến giữa hai khái niệm này.
Rồi lại còn “bằng từ ngữ nguyên thủy của nó”, để “diễn giải” cho “thơ rác, thơ dơ, thơ nghĩa địa”, mà có lẽ không hề đặt ra câu hỏi kiểu “phản tư liên tục” như chính luận văn này đề nghị, để tự vấn xem khái niệm về “từ ngữ nguyên thủy” có nghĩa là gì đối với tiếng Việt mà luận văn đang dùng, hơn nữa là đối với các từ tục tĩu. Liệu những tiếng thằng - cu - cái - hĩm có phải là “từ ngữ nguyên thủy của nó” hay là không? Cái người viết đó đang ở đâu - xem gì - đọc gì mà rút ra nhận định ở làng quê chúng ta ngày nay nói tục “tự do hơn” ở các đô thị? Điều này đơn giản là thật nực cười.
Và ngành ngữ văn sẽ nói gì với hai câu cuối của đoạn trích trên, về “tiểu thuyết hiện thực” và về việc thơ văng tục “bị chèn ép”?
Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể thảo luận, dù chỉ ở mức điểm qua, đủ các khiếm khuyết hay đặc điểm sai lạc, mơ hồ, thích đại ngôn ở luận văn này – với tư cách nó là một luận văn khoa học ngữ văn, chứ không phải với tư cách chỉ là một văn bản phê bình - tiểu luận về văn học. Luận văn này đã không thực hiện được nhiệm vụ nghiên cứu nó tự đặt ra cho nó, bởi nó đã không có tính khách quan khoa học ngay từ bước đặt vấn đề, bởi nó kém nhận thức về hiện thực xã hội đất nước, bởi nó lệch lạc về quan niệm thẩm mỹ văn học mà cụ thể và đơn giản nhất là viết cho ra một văn bản sáng sủa dễ hiểu – một trong những yêu cầu tiêu chuẩn đối với luận văn khoa học.
Mọi thứ ý đồ học thuật hay xã hội mà luận văn này tham vọng đạo đạt đều bất thành do các lỗi văn bản và lỗi tri thức quá nhiều trong đó. Chúng tôi thật sự lấy làm tiếc cho một nỗ lực thiếu hướng dẫn, một nhận thức chưa đạt tới tầm mức. Nếu luận văn nhắc đi nhắc lại đề nghị phải “phản tư liên tục” trước các vấn đề và hiện tượng văn hóa - xã hội, thì đáng tiếc vì sao nó không “phản tư liên tục” với lựa chọn của chính nó.


Nguồn: Báo Văn Nghệ số 28-2013

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More