BỤI ĐỜI CHỢ LỚN. TRUYỆN TRANH. VÀ CON CỌP Ở CHỢ.




Nhà Phật có câu chuyện thế này: Một cậu bé bị bỏ rơi được sư thầy nhặt được mang lên núi sống cuộc đời tu hành thanh đạm, không vướng một chút bụi trần. Và sư thầy nghĩ cậu bé có duyên, có phước lắm mới được như thế này chứ không thì ô nhiễm cuộc sống trần gian đến bao giờ mới tẩy rửa được. Đến tuổi trưởng thành, nhận thấy cậu bé, giờ đã là một chàng trai, suốt ngày miệng mỉm cười cho thấy tâm chàng không loạn động hay ưu phiền lo nghĩ chuyện gì, sư thầy dẫn cậu xuống núi để nhìn thấy người đời. Xuống núi, vào chợ thấy gì chàng trai cũng hỏi, đây là con gà, kia là con vịt, chiếc xe sao lại chạy được; đến thấy người đàn bà chàng hỏi con gì đây, sư thầy bảo đó là người đàn bà, bà có thể sinh ra những đứa bé mới để cuộc sống được tiếp tục mãi. Trong đầu chàng trai đã khởi niềm nghi không hiểu làm sao mà người đàn bà có thể sinh ra những đứa bé được. Đến gặp một cô gái, cô gái mỉn cười với chàng trai tuấn tú, mặt mũi sáng rỡ vì tâm trong sạch. Chàng tai hỏi thầy đây là con gì mà nó cười trông đẹp quá thầy ạ. Thấy có vẻ không an toàn sư thầy bảo: Đó là con cọp ở chợ. Con cọp trên núi hung dữ ăn thịt người thế nào thì con cọn ở chợ cũng ăn thịt người như thế con ạ, hãy tránh xa nó ra! Về lại núi, nụ cười như tắt trên môi chàng trai, trông chàng buồn rầu, ưu phiền hẳn. Sư thầy mới hỏi, chàng trai trả lời: Con nhớ con cọp ở chợ!




Cũng như vị sư thầy nọ, chúng ta hiểu lòng lành của các bậc phụ huynh khi tâm niệm chỉ mang điều tốt nhất đến cho con cái khi bảo con tránh xa loại truyện tranh. Và chúng ta cũng hiểu ý tốt của Hội đồng duyệt phim quốc gia (HĐDPQG) khi nói: “phải tỉnh táo và phải hiểu cuộc sống hiện nay cần cái gì, đòi hỏi nghệ sĩ phải làm gì” để cấm phát hành bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” (BĐCL)vì lý do bạo lực, e người xem bị tác động tiêu cực. Thật đáng buồn khi chúng ta, những người trưởng thành vẫn mãi bị xem như những cậu bé, như cậu bé được khuyên không nên xem truyện tranh nọ.

Thật ra ở đây ai là người chưa trưởng thành thì sau khi suy luận một chút ta có thể nhận ra được. Đã mấy chục năm đòi hỏi nghệ sĩ chỉ làm điều cuộc sống cần thế nhưng cuộc sống có cần những điều đó không thì mỗi người đến nay đã có thể tự trả lời được. Ở đây rõ ràng chỉ những người chưa trưởng thành thì mới tin rằng cho con người ta ăn thứ gì thì con người ta sẽ thành thứ đó, sống trong môi trường nào thì con người ta sẽ thành đúng như vậy.

Đâu là quy luật của sự nhận thức hay thế nào là bị ô nhiễm?

Vấn đề bây giờ không phải công bằng hay không công bằng khi duyệt các phim ngoại thì thoáng dễ, còn phim nội thì khắc khe xét nét đủ bề; mà chính là cần phải hiểu thế nào là điện ảnh! Thật ngớ ngẫn khi phải nói như thế với HĐDPQG nhưng thật vậy, điện ảnhvới những chức năng thì không ai rành hơn các vị này nhưng sự tác động của điện ảnh đến con người thì không như các vị nghĩ. Xem phim ma cà rồng liệu có đi hút máu như ma cà rồng; xem phim kinh dị liệu có đi róc thịt chẻ xương người ta như phim; xem phim đánh đấm liệu có đi đánh đấm như phim…?

Quy luật về nhận thức đi theo những con đường không như chúng ta hình dung. Hơn nửa thế kỷ dạy dỗ toàn điều tốt nhưng cớ sao vẫn cứ xuất hiện cả một thế hệ hư hỏng. Dạy dỗ gần 100 năm tinh thần giai cấp vô sản toàn thế giới nhưng cớ sao mởi thả ra đã đánh nhau bưu đầu, mẻ trán? Bao thế hệ được học hành thi cử tử tế về chủ nghĩa Mác, tinh thần đạo đức con người mới nhưng sao thế giới mạng toàn người “hư hỏng” giống như chưa từng một ai thuộc bài, đến độ muốn nói điều gì đúng đắn thì thuê người làm dư luận viên ? Truyệt tranh trẻ con, một thế hệ các bạn lớn lên ở miền Bắc không có truyện tranh để đọc và các bạn cũng thấy thậm chí đó là điều tốt nên cấm hẳn con mình xem truyện tranh. Xin đừng đem loại truyện tranh nhố nhăng ra ví dụ phản biện, cần phải thấy rằng không có gì kích thích sự tưởng tượng và óc khôi hài hơn truyện tranh và phim hoạt hình. Chính đây là lý do khiến phim hoạt hình mãi vẫn không ra rạp được ở ta. Cho đến gần đây, một thế hệ yêu Doreamon, và nhờ thế mới bắt đầu biết cười với nhưng chi tiết ngộ nghĩnh, khôi hài mà thể loại này đem lại cho nhân loại sau gần thế kỷ qua. Tôi tin người biết cười vì phim hoạt hình, hay truyện tranh, là người trong cuộc sống không chỉ biết khôi hài mà còn là người bao dung, nhân ái nữa.




Sau khi lệnh cấm phát hành BĐCL được công bố, trên mạng xuất hiện poster của phim BĐCL với những nhân vật thay vì cầm hung khí lại cầm xô chậu chổi xẻng đi dọn vệ sinh đường phố với tên phim “Thanh niên 5 tốt Chợ Lớn”. Ừ nhỉ, nếu bây giờ toàn xã hội cứ sản xuất toàn loại phim người tốt việt tốt như vậy (dĩ nhiên loại phim này thì qua cửa duyệt nhanh không chi bằng), không một phim nào ngoài luồng lọt vào, thì liệu chúng ta có có được một thế hệ toàn người tốt không ? Và ngược lại, chẳng có sự tàn bạo, phi nhân tính nào Hollywood chưa làm tới, người xem phim Mỹ bị ảnh hưởng sự tàn bạo phi nhân tính hết cả hay sao?

 Rõ ràng sự nhận thức của mỗi người không đi theo những con đường mà chúng ta hình dung bằng cách đơn giản hóa “xem” bầu thì tròn, “xem” ống thì dài !. Biết đâu thấy đâm chém của BĐCL mà nhiều thanh niên sẽ ngán cái thế giới tối tăm ấy và trở lại chăm học hơn. Nào có thấy anh hùng nào trong đó đâu mà HĐDPQG cứ sợ trẻ con noi gương theo. Tất cả chỉ là một cảm giác sợ hãi kinh khiếp nên tránh xa. Sao HĐDPQG không nhìn thấy điều này nhỉ ? Hitler học ai mà tàn bạo đến quỷ thần cũng phải sợ vậy? Hay là hắn ta đã từng coi Bụi đời Chợ Lớn  mà chúng ta không hay?


Đâu là tiêu chuẩn củahiện thực ?

Một đại diện HĐDPQG nói: Phim được làm ra cần cụ thể địa danh, địa điểm cũng như thời điểm nào đấy. Khán giả phải biết được rằng phim được làm ở giai đoạn nào, thuộc về lịch sử hay cuộc sống đương đại.

Lạ nhỉ, Mỹ là nơi sản xuất nhiều nhất loại phim cảnh sát, nhân viên công lực bị tha hóa. Thế mà ngành cảnh sát có bao giờ phiền lòng đâm đơn kiện hãng phim nào đâu? Và cũng đâu thấy người dân Mỹ mất niềm tin vào cảnh sát do những phim như vậy ? Ở ta thì ngược lại. Đúng là không thể hiểu được, cái mà chúng ta tin là xấu thì nó lại thành tốt và thứ mà chúng ta tin mười mươi rằng là nó là tốt thì nó lại xấu và gây mất niềm tin lớn.

Tại sao nhóm làm phim Việt kiều lại mê phim võ thuật đến vậy? Đây rõ ràng là một bước phát triển của điện ảnh mà bất cứ nền điện ảnh nào cũng phải trải qua. Như là Hồng Kông và cả thế giới phải trải qua một thời kỳ công phu của Lý Tiểu Long xong rồi mới có thể tiến lên những bước cao hơn được. Chúng ta không thể đột ngột làm một Titanic hoặc đạt trình độ hành động lôi cuốn như Điệp viên 007 trong một sớm một chiều mà cứ phải biết montage cắt nối một cú đá bằng ba góc quay, một cú đấm bằng năm lần bấm máy cái đã. Hãy nhớ đến những phim có chút hành động của ta như thời “Ván bài lật ngửa” hay “Cảnh sát hình sự” sẽ thấy những pha đánh đấm vụng về, người đánh thì sợ người bị đánh đau, thấy rõ cố tình đánh trượt đi; người bị đánh thì chờ được đánh. Nói thật “Bụi đời Chợ Lớn” cũng vẫn còn sót những chi tiết lỗi này, đủ cho biết cái kinh nghiệm làm phim hành động đánh đấm này điện ảnh Việt Nam còn ABC lắm, lúng túng đủ thứ từ đạo diễn đến quay phim, đến phân cảnh, thư ký trường quay… tất cả cho thấy rõ là đang vừa làm vừa học; và rõ ràng những kinh nghiệm này cần sớm được đúc kết kế thừa, được cả xã hội ủng hộ để sớm tạo thành một lớp những nhà làm phim kinh nghiệm hiểu rõ thế nào là phim hành động.

Điện ảnh với chức năng của nó là giải trí, thuộc tính kỹ thuật thể hiện qua các kỹ xảo.

Thay vì hỏi “Công an ở đâu khi các băng nhóm chém giết nhau” sao không hỏi đá gì mà người văng cả chục mét thế kia. Gọi võ sư giỏi nhất ra đá cái bịch gạo 50kg liệu đã có bay như vậy? Mà văng xa như vậy sao vẫn cứ sống nhăng răng mà không gãy xương ? Hỏi bác sĩ xem xương người ta chịu được lực được bao nhiêu thì gãy.v.v…

Tiêu chuẩn hiện thực không hiểu tự bao giờ đã gắn chặt vào não trạng các thế hệ làm phim và họ đã thực sự không biết làm sao để thoát ra khỏi nó.

Xét ra cho cùng giới lý luận điện ảnh ở ta đã không rạch ròi được hai chức năng chính của điện ảnh, nếu dùng hình tượng thì xin ví đó như là hai chiếc cánh của một con chim, một cánh là tính nhân văn, chất thơ của nền nghệ thuật và cánh kia là thuộc tính kỹ thuật với những kỹ xảo điện ảnh được phát triển không ngừng ngay từ khi mới ra đời đến nay. Thiếu một trong hai chiếc cách ấy nền điện ảnh không bay lên được. Ở ta, ngay từ khi khai sinh đến nay chỉ biết đến chiếc cánh nhân văn, khai thác mạnh chất thơ mà hầu như quên hẳn, thậm chí từ bỏ, thậm chí lên án loại hình chuyên đi khai thác những kỹ xảo, những tìm tòi về dàn dựng tạo nên những cảm giác mới cho người xem. Oscar có hẳn một giải sang trọng cho những kỹ xảo mới. Điện ảnh Việt Nam đã có ai nghĩ đến điều này chưa ?

Thế nhưng mọi nỗ lực trả một cánh lại cho điện ảnh đã bị dội gáo nước lạnh ngay từ những phim hành động đầu tiên cho đến nay, nó luôn được xem là thể loại rẻ tiền, ban giảm khảo luôn dùng từ phim thị trường để gọi nó. Đây không phải là lạ mà là tiếc cho một cơ hội phát triển của điện ảnh cứ để bị trôi dài hết năm này qua năm khác mà không biết định vào đâu, trụ vào đâu thì nó sẽ vững bền một nền móng để phát triển.

Với riêng tôi, đó là kỹ xảo điện ảnh. Vững kỷ xảo thì diễn viên cũng đỡ nhọc nhằn vì thừa chân, thừa tay, thừa ánh mắt không biết bỏ đi đâu !

Trở lại với câu chuyện con cọp ở chợ. Theo các bạn chuyện sẽ xảy ra sau đó ? Tôi nghĩ là chàng trai sẽ xuống núi, không thể khác, và một cuộc đời vô cùng gian khổ với người ngơ ngác trước cuộc sống như chàng đang chờ chàng phía trước. Công khó của vị sư thầy bao năm như vậy là đổ sông đổ biển. HĐDPQG có bao giờ nghĩ rằng mình cũng như vị sự thầy nọ, đang làm điều vô ích không?

Nguồn blog : Hồ Trung Tú 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More