Có khả năng lệnh truy nã không đến được Công an huyện Định Quán nên nơi này đã tuyển kẻ phạm tội vào ngành công an.
Ngày 17/4, liên quan đến nguyên trung úy cảnh sát Trần Hữu Nam, 29 tuổi, ngụ khu phố 6, phường Long Bình, TP Biên Hòa bị bắt, Thượng tá Trần Tiến Đạt - Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai xác nhận: Ban giám đốc công an tỉnh này đã tước quân tịch đối với Trung úy Trần Hữu Nam (Công an TP Biên Hòa), đồng thời giao Công an TP Biên Hòa khởi tố, bắt tạm giam Nam để điều tra theo quyết định truy nã. “Lãnh đạo công an tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra, xác minh làm rõ trách nhiệm của Công an huyện Định Quán, đơn vị xét tuyển Nam đi nghĩa vụ” - Thượng tá Đạt nói.
Trần Hữu Nam (người đứng ở đầu xe) trong màu áo của lực lượng cảnh sát 113. |
Việc một người đang bị truy nã lại chui vào hàng ngũ công an gây thắc mắc cho nhiều người. Bởi công tác tuyển lựa nhân sự vào ngành công an rất nghiêm ngặt và chúng tôi đã cố tìm hiểu để giải đáp câu hỏi này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trần Hữu Nam quê tỉnh Thái Bình. Năm 1990, Nam cùng gia đình chuyển về sinh sống tại ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán (Đồng Nai). Tháng 2-2004, Nam lên TP Biên Hòa thuê phòng trọ để đi làm và ôn thi ĐH. Tại đây, Nam đã cùng đồng phạm tham gia một vụ trộm cắp ở phường Long Bình (chứ không phải cướp giật như thông tin trên số trước) và bị công an phát hiện.
Vụ việc sau đó đã được Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa thụ lý và Nam bị bắt giữ cùng đồng phạm. Sau chín ngày tạm giữ để điều tra, công an không xác minh được người bị hại nên tạm thả Nam và đồng phạm, đồng thời tiếp tục điều tra vụ việc.
Quyết định đình nã của Công an tỉnh Đồng Nai với Nam. |
Sau một thời gian, công an xác định được người bị hại trong vụ án, xác định Nam là đối tượng cầm đầu của nhóm trộm cắp nên ra quyết định bắt giữ Nam cùng đồng phạm để xử lý. Tuy nhiên, lúc này Nam đã lẩn trốn. Không bắt được Nam nên ngày 30-3-2004, Công an TP Biên Hòa đã ra quyết định truy nã đối với Nam về tội trộm cắp tài sản.
Khi về xã La Ngà sinh sống, Nam biết thông tin Công an tỉnh Đồng Nai phân bổ chỉ tiêu tuyển công an nghĩa vụ (phục vụ có thời hạn trong ngành công an nhân dân) cho các huyện, Nam đã làm hồ sơ và Công an huyện Định Quán đã tuyển Nam vào phục vụ có thời hạn trong ngành.
Theo một nguồn tin, trong quá trình phục vụ, Nam nhiều lần vi phạm kỷ luật và đơn vị chủ quản dự kiến không biên chế Nam thành công an chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong năm 2006, Nam nộp hồ sơ thi vào trường trung học cảnh sát.
Khi sơ tuyển, trường này đã căn cứ vào hồ sơ có sẵn và xác nhận của đơn vị nơi Nam công tác để nhận hồ sơ và cộng điểm ưu tiên nên Nam lọt tiếp qua cửa này, thi đậu vào trường trung học cảnh sát. Sau khi tốt nghiệp, Nam trở thành công an chuyên nghiệp.
Năm 2010, Nam cùng gia đình về sinh sống tại khu phố 6, phường Long Bình, TP Biên Hòa. Công tác qua nhiều đơn vị, mang cấp hàm trung úy thì Nam bị bắt khi về Công an TP Biên Hòa công tác, nơi đã từng thụ lý vụ trộm cắp và ra lệnh truy nã Nam trước đây.
Một nguồn tin trong ngành công an của chúng tôi nhận định: Nam lọt được qua các “cửa” kiểm tra để vào ngành có thể do quyết định truy nã với Nam đã không đến được Công an huyện Định Quán và địa phương nơi Nam cư ngụ.
Vì vậy, ngoài việc xác minh, làm rõ trách nhiệm của Công an huyện Định Quán, đơn vị xét tuyển Nam đi công an nghĩa vụ, cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra công tác công bố lệnh truy nã của cơ quan chức năng.
Theo PL TPHCM
Nguồn VTC
______________________________
Trung úy 113 bị bắt vì 10 năm trước đi cướp giật
Anh này từng cầm đầu băng cướp giật ở Long Bình, Biên Hòa. Sau khi bị bại lộ, anh ta trốn về Định Quán rồi vào ngành công an lên đến cấp hàm trung úy.
Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đang tạm giữ Trần Hữu Nam, 29 tuổi, ngụ khu phố 8, phường Long Bình, TP Biên Hòa. Điều đáng nói là khi bị bắt, Nam đang là trung úy cảnh sát.
Theo thông tin chúng tôi thu thập được, trong thời gian trước năm 2005, Nam cầm đầu một băng nhóm cướp giật tài sản chuyên hoạt động ở khu vực phường Long Bình, TP Biên Hòa. Trong một vụ cướp giật, Công an TP Biên Hòa xác định Nam là đối tượng cầm đầu nên đã truy bắt để điều tra nhưng không thành.
Biết cơ quan công an đang truy bắt mình, Nam đã về ấp 4, xã La Ngà, huyện Định Quán (Đồng Nai) lẩn trốn. Trong thời gian này, không biết bằng cách nào Nam đã vào phục vụ trong ngành công an nhân dân (công an nghĩa vụ).
Trần Hữu Nam (người đứng ở đầu xe) trong màu áo của lực lượng cảnh sát 113.
Sau bốn tháng được huấn luyện nghiệp vụ, năm 2006, Nam được phân công về công tác tại Công an huyện Long Thành. Cũng trong năm này, Nam thi đậu vào Trường Trung cấp Cảnh sát và được gọi đi học. Sau khi học xong, Nam được vào biên chế, phục vụ lâu dài trong ngành công an (công an chuyên nghiệp) và nhận công tác tại Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Đồng Nai. Công tác tại đây một thời gian, đầu năm 2011, Nam được điều về Đội Cảnh sát 113 (Công an tỉnh Đồng Nai). Đến cuối năm 2012, Nam được phân công về Công an TP Biên Hòa công tác.
Mọi việc sẽ êm xuôi nếu không có sự cố bất ngờ. Số là trong một tối tháng 1-2013, sau một chầu bí tỉ, Nam cùng với các bạn nhậu ghé lại một sạp trái cây trên đường Dương Tử Giang, phường Tân Mai để mua sầu riêng. Tại đây, Nam đã cự cãi với người bán sầu riêng về cân, ký. Thấy bực, một người bán trái cây gần đó đã mang dao đến hỏi chuyện. Khi xô xát, Nam thất thế, sợ bị chém nên lấy thẻ ngành ra thị uy. Từ sự việc này, Công an phường Tân Mai đã tiến hành các thủ tục để xử phạt hành chính. Khi trích lục hồ sơ để xử phạt, Công an phường Tân Mai phát hiện Nam chính là người cầm đầu băng cướp giật năm xưa. Lúc này thân phận thật của trung úy cảnh sát Nam mới bị lật tẩy.
Sau khi phát hiện kẻ cướp giật chui vào hàng ngũ, Công an tỉnh Đồng Nai đã tước quân tịch đối với Nam, giao Công an TP Biên Hòa khởi tố, tạm giam Nam để điều tra về tội cướp giật tài sản.
Nhiều người thắc mắc: Không hiểu sao một kẻ bị công an truy tìm về tội cướp giật tài sản lại lọt qua rất nhiều vòng kiểm tra, xem xét của cơ quan chức năng để vào ngành công an? Chúng tôi đã mang thắc mắc này hỏi nhiều người có trách nhiệm của Công an tỉnh Đồng Nai nhưng đều bị từ chối trả lời.
Nguồn Pháp luật
0 nhận xét:
Đăng nhận xét