VỀ VIỆC BÁO NHÂN DÂN ĐĂNG BÀI CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA


BÁO NHÂN DÂN ĐĂNG BÀI CỦA MỘT NGƯỜI THẦN KINH KHÔNG BÌNH THƯỜNG


Lời dẫn: Báo Nhân Dân vừa đăng lại từ một trang mạng "rác", bài của tác giả Nguyễn Trọng Nghĩa, ngụ tại số 37, đường Ðiện Biên Phủ, xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp, được giới thiệu là giáo dân giáo xứ Cao Lãnh.

Nhưng Giáo xứ Cao Lãnh do linh mục Marcel Trần Văn Tốt, chánh xứ, Linh mục Phêrô Trần Trung Chỉnh làm phó xứ, một số giáo dân cho chúng tôi biết như sau: Nguyễn Trọng Nghĩa tại địa chỉ này năm nay 32 tuổi có một vợ và một con. Mới học xong Phổ thông Trung học thì làm Phó Bí thư Đoàn TNCSHCM xã Mỹ Trà. Được một thời gian, do vi phạm khuyết điểm, nên buộc phải ra khỏi chức vụ đó. Anh ta bỏ đạo đã hơn chục năm nay, hoàn toàn không liên hệ với nhà thờ, với giáo xứ và các việc thuộc Giáo hội Công giáo. Người dân địa phương cho biết anh ta bị man mát, không bình thường về thần kinh. Gặp gỡ linh mục Chánh xứ, ông nội gã than thở về sự mâu thuẫn giữa ông nội, cha mẹ và gã, ông không gặp gã và tỏ ra lo lắng cho gã này về nhân cách và đạo đức.

Thế là đã rõ. Một người không còn giữ các lề luật Giáo hội, không tham gia, không còn liên hệ với giáo hội đã chục năm nay, bỗng nhiên được Báo Nhân Dân gọi là “Công dân theo Thiên Chúa giáo”? Chắc Báo Nhân Dân thừa biết rằng một tôn giáo cũng như bất cứ một tổ chức nào, khi anh đã không còn liên hệ, không tuân phục những nguyên tắc, quy định, nghĩa là anh đã đứng ra ngoài tổ chức đó. -

 Theo JB Nguyễn Hữu Vinh.
____________________________________  

Dưới đây là toàn văn bài trên báo Nhân dân:
Nhiều điều chưa sáng trong một bản góp ý 

Ngày 1-3, website của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã công bố Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp gửi tới Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bức thư nhanh chóng được website tiếng Việt của BBC, VOA, RFA, RFI,… cùng một số website, diễn đàn điện tử đăng tải và phân tích. Ngày 2-4, web sachhiem công bố bài của tác giả Nguyễn Trọng Nghĩa – một công dân theo Thiên chúa giáo, trong đó đưa ra một số góp ý về bức thư này. Ðược sự đồng ý của tác giả, Báo Nhân Dân trích đăng một phần bài viết đó để bạn đọc tham khảo. 

Tôi tên là Nguyễn Trọng Nghĩa, là giáo dân ở giáo xứ Cao Lãnh – giáo phận Mỹ Tho, ngụ tại số 37, đường Ðiện Biên Phủ, xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp. Vừa qua, tôi thấy trên nhiều diễn đàn mạng điện tử đăng tải bức thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HÐGM), trong đó đưa ra nhận định, góp ý với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thiết nghĩ, việc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là quyền và việc làm cần thiết của mỗi công dân, là việc làm thể hiện chính kiến chính trị của mỗi cá nhân trong xã hội. Sau khi xem bản nhận định và góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của HÐGM, tôi có mấy điều góp ý như sau: 

… – Các Giám mục (GM) viết: “Dự thảo khẳng định quyền tự do ngôn luận

(Ðiều 26), quyền sáng tạo văn học – nghệ thuật (Ðiều 43), quyền tự do tín ngưỡng (Ðiều 25). Tuy nhiên, ngay từ đầu, Dự thảo lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”

(Ðiều 4). Như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do ngôn luận và sáng tạo văn học,  nghệ thuật, bởi lẽ tư tưởng đã bị đóng khung trong một chủ thuyết rồi? Tương tự như thế, phải hiểu thế nào và làm sao thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bởi lẽ chủ nghĩa Mác – Lê-nin tự thân là chủ nghĩa vô thần? Phải chăng những quyền này chỉ là những ân huệ được ban cho tùy lúc tùy nơi, chứ không phải là quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, và bất khả nhượng? Hiến pháp cần phải xóa bỏ những mâu thuẫn và bất hợp lý này, thì mới có sức thuyết phục người dân và thu phục lòng dân”.

Góp ý của tôi: Có lẽ các GM chưa có điều kiện tìm hiểu cặn kẽ về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như các lý luận nền tảng đã được công khai khi xây dựng bản Dự thảo, vì tôi thấy các GM không phân tích ý nghĩa từng điều khoản trong Dự thảo Hiến pháp, nên đã nhận định chưa đúng với những gì mà tôi đã biết qua các cơ quan truyền thông đại chúng.

Vấn đề “tư tưởng bị đóng khung trong một chủ thuyết” là chưa đúng, vì theo tôi được biết chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng để định hướng xã hội, đảng cầm quyền chỉ lấy tư tưởng đó để định hướng xã hội chứ không “đóng khung” tư tưởng của người dân. Quyền tự do ngôn luận không phải bao gồm quyền phỉ báng hay xúc phạm người khác, hay xuyên tạc nói không đúng một cách cố ý… Quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật cũng không bao gồm sáng tạo tư tưởng cực đoan hay mê tín, đó cũng không phải là quyền sáng tạo hay dựng đứng sự việc để bài xích một hệ tư tưởng khác… Cũng thế, quyền tự do tín ngưỡng bao gồm cả quyền tự do không tín ngưỡng, không được nâng tôn giáo mình lên và hạ thấp tôn giáo khác… Ðảng cầm quyền quản lý một xã hội có nhiều thành phần dân cư, thì cần có các chuẩn mực về ngôn phong để giáo dục đạo đức cho con người trong xã hội, không bắt người dân “nói theo” Ðảng. Cũng như khi giáo dân hiệp thông cùng giáo hội, chúng ta trở nên khác biệt với người Tin lành, vì chúng ta chỉ được hiểu kinh thánh từ giáo hội chứ không phải tự do tùy ý giải nghĩa kinh thánh.

Như vậy, với các quyền được các GM đề cập thì: a. Theo tôi, tự thân nó được “tự do” mà cụ thể là pháp luật và pháp lệnh tương ứng, nếu có vấn đề thì chỉ cần điều chỉnh ở luật và pháp lệnh chứ không cần thiết điều chỉnh ở Hiến pháp; b. Tôi không biết chủ nghĩa Mác – Lê-nin là chủ nghĩa vô thần, nên nếu có thể xin hãy chứng minh nhận định này của các GM, vì khi nhận định về một cá nhân hay tổ chức mà không toàn diện, cụ thể hay khách quan thì ý kiến của các GM trở nên chủ quan, thiên kiến và thiếu hiểu biết. Tôi nhận biết cụm từ “cộng sản vô thần” xuất phát từ sự xuyên tạc của những người chống cộng từ ý thức hệ, như là sự đối trọng giữa “tư bản” và “cộng sản” của thế kỷ trước. Hiện tại, tôi nhận biết rất nhiều người cộng sản có tín ngưỡng của nhiều tôn giáo, mà hầu hết là các tôn giáo phổ biến, còn những người không theo tín ngưỡng – tôn giáo nào đó thì cũng thờ cúng tổ tiên,… Vậy nhận định người cộng sản vô thần theo tôi là chưa đúng và quá thiên kiến hay chỉ là nhận định chống cộng sản không suy xét!?

Những quyền được Hiến pháp, pháp luật quy định thì chắc chắn không phải là ân huệ được ban phát cho, khi đã được ghi vào Hiến pháp và pháp luật thì chắc chắn đó là quyền phổ quát, những quyền được ghi vào luật là quyền bất khả xâm phạm, dĩ nhiên là bất khả nhượng. Tôi thấy rất lạ khi các GM không biết điều này, không phân tích, hay hiểu điều hết sức đơn giản này. Tất cả những quyền mà các GM đề cập đều có sự chế tài nếu cá nhân hoặc tổ chức nào vi phạm, tôi biết điều này vì tôi đã xem rất kỹ các luật này và cả Hiến pháp, các vị GM có tìm hiểu hay không mà sao tôi thấy như là các vị không biết đến? Tôi thấy các vị GM có nhiều điều chưa sáng trong nhận định của mình!

- Các GM viết: “Trong thực tế, sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam. Ðây là một trong những lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ văn hóa và nghệ thuật”.

Góp ý của tôi: Tôi nhận định rằng hệ tư tưởng hiện tại của đảng cầm quyền là hệ tư tưởng quản lý xã hội theo một hệ thống chuẩn mực. Ðến nay, Nhà nước ta đã ký kết tất cả các hiệp ước về quyền con người mà Liên hợp quốc cũng như hầu hết các quốc gia tiến bộ về nhân quyền đã ký kết. Hiện tại, Việt Nam là quốc gia tiến bộ về vấn đề nhân quyền – quyền con người, nếu nhận định rằng vì bị “trói buộc” nên bị “kìm hãm” là không thực, quá thiên kiến hay cố ý gán ghép. Vậy nếu được thì xin các GM cho một chứng minh về “sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam”? Tôi công nhận nếu có sự ràng buộc về tư tưởng một cách cực đoan thì chắc chắn nhiều lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện tại, ngành giáo dục nếu có chậm phát triển thì cũng không phải do “hệ tư tưởng” mà do “trình độ quản lý”. Thực tế, nhiều trường tư thục hay nước ngoài không bị hạn chế bởi một hệ tư tưởng mà vẫn không thể hiện được sự ưu việt hơn cách quản lý giáo dục công lập… Nếu các vị GM quan tâm tới các lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật, thì sẽ thấy các lĩnh vực này hiện đang rất phát triển, phát triển vượt bậc. Còn có một sự thật lịch sử cụ thể quan trọng mà các GM đã bỏ qua trong quá trình nhận định và góp ý là: Ðất nước chúng ta vừa trải qua chiến tranh chưa lâu, sau đó là những năm bị cấm vận. Ðất nước ta đang trong quá trình CNH, HÐH mở cửa, hội nhập quốc tế và đã đạt những thành tựu mà thế giới – cộng đồng quốc tế công nhận. Vậy tại sao các vị GM lại không biết vấn đề này?

Kính thưa các vị Giám mục,

Con cho rằng các vị GM cũng là công dân nên không đứng ngoài chính trị, nhưng con thấy rằng các nhận định và đóng góp có hơi hướng của các thành phần chống cộng rất thiên kiến, cực đoan, xuyên tạc sự thật (hoặc do các vị không biết?). Con nghĩ với trình độ của các GM, nhận thức sẽ cao hơn giáo dân chúng con, con cũng biết các tàn dư mâu thuẫn trong quá khứ và cả tư tưởng quản lý xã hội khác với người cộng sản hẳn đã làm các ngài không sáng suốt trong nhận định về người cộng sản… Con tin không 100% GM đồng quan điểm với bản nhận định và góp ý, nhưng các vị ấy vẫn phải đứng tên cùng “các Giám mục Công giáo Việt Nam”. Các ngài GM nên biết rằng chúng con cũng có suy tư, cũng có quan điểm về mọi vấn đề khác nhau. Các GM không thể đại diện cho toàn thể giáo dân Việt Nam mượn việc góp ý với Hiến pháp để thể hiện thiên kiến của mình.

NGUYỄN TRỌNG NGHĨA
Nguồn: Nhân dân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More