MẠNG XÃ HỘI : THẤT BẠI BÁO TRƯỚC



Trước hết, tăng cường kiểm soát không gian mạng, an ninh CSVN tổ chức tấn công bằng đội ngũ tin tặc. Chúng ta nhớ ngày 5 Tháng Năm 2010, tại hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của các cơ quan báo chí dưới sự chủ trì của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Bộ Thông Tin Truyền Thông và Hội Nhà Báo Việt Nam, trung tướng công an Vũ Hải Triều, đã khoe khoang: “Trong mấy tháng qua, bộ phận kỹ thuật của ‘ta’ đã ‘phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu.’”

Các trận đánh phá này từ lâu nay vẫn không ngừng tiếp diễn và ngày một tinh vi hơn. Hàng loạt các trang web lề dân bị tin tặc đột nhập, phải mất nhiều thời gian, công sức phục hồi, như Bauxite, Dân Làm Báo, Dòng Chúa Cứu Thế, Ðàn Chim Việt, Anh Ba Sàm...

Tuy nhiên, nỗ lực đánh phá dường như không đạt được mục tiêu, các trang web bị tấn công hoặc được phục hồi hoặc cho ra trang mới, biến hóa khôn lường. Một cuộc chơi mèo bắt chuột triền miên.

Trên tờ Giáo Dục Việt Nam (16 Tháng Mười Một 2012), ném đá dò đường bằng bài “Cần phải chấm dứt ngay hoạt động của facebook tại Việt Nam”, ngày 25 Tháng Mười Một 2012 tờ Quân Ðội Nhân Dân cho đăng bài “Làm chủ mạng xã hội để tập hợp và giáo dục thanh niên”.

“Dùng mạng xã hội đã trở thành nhu cầu thực sự của giới trẻ nhưng mạng xã hội lại phát triển tự phát, thiếu định hướng và nguy cơ ‘Diễn biến hòa bình’ tác động đối với giới trẻ từ đây cũng rất lớn. Các Mác từng nói: Vũ khí của sự phê phán không thể thay thế được sự phê phán bằng vũ khí. Ðã đến lúc, cuộc đấu tranh phòng chống ‘Diễn biến hòa bình’” - Bài báo viết.

Bài báo cho thấy bộ máy tuyên truyền của CSVN thay đổi chiến thuật: Vừa đánh phá, vừa xâm nhập vào các trang xã hội để tìm cách nắm bắt và định hướng người sử dụng.

Trong bài, kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào các trang xã hội, báo QÐND nhận định “Trên Internet cần có những lực lượng tiến bộ tiên phong để tập hợp, định hướng giới trẻ” và “các tổ chức thanh niên nhiều năm qua gần như ‘bỏ trống’ một trận địa quan trọng trên mặt trận tư tưởng này, sử dụng mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu để tập hợp thanh niên và tổ chức các phong trào hành động cách mạng”.

Nngày 9 Tháng Mười Hai 2012, Hồ Quang Lợi, trưởng Ban Tuyên Giáo Thành ủy Hà Nội tại Hội Nghị Tuyên Giáo Toàn Quốc cho hay Hà Nội đã thành lập một đội ngũ “tuyên truyền miệng” với 900 “dư luận viên”, “tổ chức nhóm chuyên gia bút chiến trên Internet, mở hơn 400 tài khoản trên mạng”. Các tờ báo của Hà Nội cũng đã thành lập tổ “Phóng viên bấm nút” phản ứng nhanh... Ðây chỉ là con số của Hà Nội. Trên cả nước còn sẽ là hàng ngàn, chục ngàn?

Tuy nhiên, phương sách này xem ra không hữu hiệu lắm vì đa phần “dư luận viên” kiến thức rất kém, không có khả năng phản biện, khi tranh luận thường sử dụng các ngôn ngữ dung tục, cố tình quậy phá. Bản mặt của chúng không thể tồn tại được ở những trang tử tế, đàng hoàng, chúng bị nhận diện và phải tháo chạy. Chúng lập địa chỉ riêng trên facebook đưa ra một số đề tài để lôi kéo người đọc nhưng cuối cùng cũng chỉ tung hô tự sướng.

Những thất bại của nhà nước CSVN trong việc tuyên truyền đã được chứng minh rõ rệt, không thể chối cãi, bằng sự thú nhận của thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Ðỗ Quý Doãn (Lao Ðộng 10/01/2012):

“Tại sao chúng ta có một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành. Có tới 17 ngàn nhà báo, trong đó có nhiều cây bút có đủ khả năng làm lay động bạn đọc mà ‘thông tin lưu truyền trong xã hội lại là thông tin từ blog cá nhân’. ‘Báo chí đang đánh mất niềm tin của bạn đọc.’”

Có lẽ vì thế mà hôm 24 Tháng Ba, làm việc với Trung Ương Ðoàn, Thủ Tướng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho biết chính phủ đã quyết định đồng ý đầu tư xây dựng mạng xã hội cho thanh niên, dự toán ban đầu khoảng 200 triệu USD (theo Techdaily.vn).

Theo tờ Tuổi Trẻ ngày 29 Tháng Ba thì Việt Nam hiện có gần 90% lượng người dùng Internet sử dụng mạng xã hội, trong khi tính đến cuối năm 2012 Việt Nam có hơn 31.3 triệu người sử dụng Internet, như vậy cả nước hiện có hơn 28 triệu người tham gia mạng xã hội...

Theo kết quả nghiên cứu của công ty tiếp thị trực tuyến và nghiên cứu thị trường Vinalink công bố năm 2012, Việt Nam hiện đã có 20/28 loại hình mạng xã hội trên thế giới. Ðiều này cho thấy hoạt động mạng xã hội tại Việt Nam đang diễn ra rất sôi động và phong phú.

Tờ Tuổi Trẻ cũng cho hay, theo nghiên cứu của Vinalink, vị trí các trang mạng được xếp thứ tự như sau: Facebook, Zing Me, Google Plus, Go.vn, Yume.vn, Tamtay.vn, Phununet.com, Banbe.net, Bang.vn... Trong đó nổi bật nhất hiện nay là Facebook của Mỹ và Zing Me (của công ty VNG). Hai mạng xã hội này đang dẫn đầu về số lượng người dùng Việt Nam (Facebook có 11.2 triệu, Zing Me có hơn 8.2 triệu), bỏ khá xa các mạng xã hội còn lại. Ngoại trừ Zing Me của VNG, hầu hết các trang mạng xã hội khác trong nước đều có lượng thành viên khá thấp, chỉ khoảng vài trăm nghìn đến vài triệu thành viên. Ngay cả những mạng xã hội nổi tiếng trên thế giới như Twitter cũng không được nhiều người Việt Nam đón nhận (chỉ 9% người dùng Internet Việt Nam sử dụng Twitter).

Trong cuộc cạnh tranh giữa các mạng xã hội, có vẻ những sản phẩm trong nước không thu hút người dùng mạnh bằng các mạng xã hội nước ngoài. Cụ thể, trong báo cáo top 100 trang mạng xã hội và các trang web cộng đồng do Vinalink công bố có đến 90 là của Việt Nam và chỉ có 10 là của nước ngoài. Tuy nhiên 10 mạng xã hội của nước ngoài lại thu hút đến 83% lượng người dùng Internet ở Việt Nam, trong khi 90 mạng xã hội của Việt Nam chỉ phủ tới 75% lượng người dùng.

Facebook hiện được đánh giá là thành công nhất tại Việt Nam với việc thu hút lượng người tham gia tăng chóng mặt. Bằng chứng là dù mới chỉ phát triển tại thị trường Việt Nam khoảng hai năm gần đây (dù đã nổi tiếng trên thế giới) nhưng hiện có nhiều người Việt chọn dùng Facebook nhất. Theo số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam được ghi nhận là nước có lượng người dùng Facebook tăng nhanh nhất thế giới với 146% chỉ trong sáu tháng. Cụ thể hơn, có thời điểm lượng người dùng Facebook ở Việt Nam tăng thêm 500,000 người chỉ trong hai tuần! Vào Tháng Mười 2012, Facebook vượt qua Zing Me trở thành mạng xã hội số một tại Việt Nam (tại thời điểm này Facebook có 8.5 triệu người dùng, trong khi Zing Me có 8.2 triệu). Hiện Facebook vẫn tiếp tục có thêm thành viên nhưng Zing Me lại có vẻ đang chững lại. Thế nhưng, Zing Me chỉ là trang mạng xã hội có nội dung giải trí Onlne, không có chức năng kết bạn và các chức năng đa dạng, rộng lớn như Facebook.

Ðối diện với thực tế trên đây, cuộc chơi của trung ương đoàn nhắm thiết lập một mạng xã hội riêng cho 7 triệu thành viên, quả thật không dễ dàng, nếu không nói là khó có chút hy vọng nào. Khó khăn không phải chỉ là giải pháp về công nghệ mà là vấn đề điều hành, nội dung liệu có thu hút, đáp ứng được trước những đòi hỏi của thanh niên hay.
Một bài khác trên tờ Tuổi Trẻ 28 Tháng Ba, nói rằng, “Nếu chỉ bỏ núi tiền để chạy theo mô hình sẵn có của thế giới, các sản phẩm mạng xã hội Việt Nam sớm muộn cũng sẽ thất bại, không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ ngoại”.
Người ta tính toán rằng, chi phí xây dựng và vận hành một mạng xã hội đầy đủ tính năng chỉ cần 1-2 triệu USD, còn nếu sử dụng nền tảng và kinh nghiệm có sẵn của thế giới thì quá trình xây dựng sẽ rất nhanh, chi phí cũng rất rẻ, chỉ cần chừng 500 ngàn USD.

Như vậy, số còn lại từ 200 triệu đô là nhằm vào khâu tiếp thị (marketing) và “chạy” khách hàng? Quả là một sự lãng phí lạ lùng. Trong khi tình hình kinh tế nước nhà hết sức khó khăn, nợ công (71 tỷ USD), nợ của các doanh nghiệp nhà nước (gần 6O tỷ USD), nợ xấu ngân hàng báo động, bất động sản đóng băng, xăng dầu và vật giá leo thang, nhà nước đi vay khoản mới để trả nợ cũ...

Trong tuyên ngôn độc lập của Internet (Declaration of the Independence of Cyberspace) ngày 8 Tháng Hai 1996, John Perry Barlow nói rằng, nhà cầm quyền là những gã khổng lồ xác thịt và thép mệt mỏi, sẽ không có quyền lực trên không gian điện tử và khái niệm pháp lý về cách thể hiện tư tưởng không thể áp đặt lên người sử dụng.

Không gian Internet là tự do. Người ta sẽ thích vào những mạng xã hội nào không bị nhòm ngó, ràng buộc, cho dù là họ đứng dưới nhãn quan chính trị nào. Số ít, với ý đồ riêng, vì ý thức hệ, vì tuyên truyền, cuối cùng sẽ co cụm vào những trang riêng của mình và cuộc chiến chỉ có một bên với bầy chó sủa trăng. Mục tiêu mà họ muốn nhắm vào trở nên vô nghĩa.

Hai trăm triệu đô là số tiền khổng lồ, rất cho nhiều mục đích xã hội khác, ví dụ như làm cầu cho trẻ em đi học để không phải đi bằng giây, có chút thịt cho bữa ăn của học sinh miền núi, thêm giường cho các bệnh viện đầy ắp người phải nằm la liệt ở dưới nền nhà, hay chương trình trợ giúp khó khăn cho một lực lượng rất đến sự cứu trợ: Hơn 5.2 triệu người tàn tật, chiếm 6.63% dân số trên cả nước... Ðây là những việc làm thiết thực của đoàn thanh niên đối với xã hội. Không cần vẽ vời thêm bất cứ một trang mạng xã hội nào riêng chỉ để phục vụ cho mục đích tuyên truyền của chế độ.

Chỉ vì ý đồ lôi kéo bạn đọc vào những chuyện dối trá, bịp bợm, thì rồi kế hoạch sẽ rơi rớt vào những toan tính vô bổ, những mánh mung “rút ruột” mờ ám và sẽ chìm nghỉm vào sự thất bại hoàn toàn của cả dự án. Tôi tin chắc như thế và thời gian sẽ trả lời.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More