ĐẰNG SAU SỰ BẤT BÌNH THƯỜNG Ở BÁO TUỔI TRẺ THỦ ĐÔ


 Trang nhất số báo ra ngày Thứ Tư- ngày 10/4/2013- số báo cuối cùng mang dấu ấn TBT Nguyễn Quang Hòa
Sáng 9/4, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà và một số lãnh đạo các ban thuộc Đoàn thanh niên Thành phố mời bằng điện thoại Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô sang thông báo "miệng" về quyết định: Từ ngày 15/4 đồng chí Tổng biên tập phải bàn giao chủ tài khoản, bàn giao công tác chuyên môn cho đồng chí Phó Tổng biên tập Trần Thị Khiêm. Đồng thời Tổng biên tập phải chuyển sinh hoạt Đảng sang Thành đoàn Hà Nội và nhận công việc mới tại Ban tổ chức Thành đoàn Hà Nội.

TBT Nguyễn Quang Hòa trong một chuyến cứu trợ đồng bào bị lũ lụt tại Hà Tĩnh

Do có người bạn gái ở Tuổi trẻ Thủ đô, chúng tôi biết những thăng trầm của tờ báo này. Dù là tờ báo được thành lập khá sớm nhưng từ năm 2005 trở về trước, Tuổi trẻ Thủ đô thực chất chỉ là một bản tin nội bộ của Thành đoàn Hà Nội. Nội dung tờ báo này chủ yếu phản ảnh về hoạt động vốn nghèo nàn của các quận đoàn, huyện đoàn tại Hà Nội. Ấy vậy nhưng nội bộ Ban Biên tập liên tục lục đục. Cuối năm 2005, báo Tuổi trẻ Thủ đô gặp khó khăn, phải đình bản 3 tháng. Tổng Biên tập không còn đủ khả năng vận hành tờ báo. Thành đoàn Hà Nội cũng không thể tìm được ai thay thế nên đã phải cầu cứu Thành ủy Hà Nội. Và cái tên Nguyễn Quang Hòa- Trưởng ban Thư ký báo Hà Nội mới được Thành ủy Hà Nội nhắc đến.
 TBT Nguyễn Quang Hòa cùng học sinh nghèo vượt khó

Cũng như chàng trai đồng hương Hải Phòng Đào Lê Bình- Tổng Biên tập Báo An Ninh Thủ đô, Nguyễn Quang Hòa mang bản tính phóng khoáng vànăng động sáng tạo của người Đất Cảng. Ông lập tức hăm hở lên kế hoạch đổi mới toàn diện tờ báo. Từ một ấn phẩm báo chí èo uột, xuất bản 1 kỳ/ tuần, 12 trang, đến nay Báo Tuổi trẻ Thủ đô xuất bản 3 kỳ/ 16 trang/ tuần và ấn phẩm Tuổi trẻ Đời sống ra 2 kỳ 24 trang/ tuần, trở thành bạn đọc thân thiết của đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô và bạn đọc cả nước. Từ một tờ báo như 1 bản tin nội bộ của Thành đoàn Hà Nội, Tổng biên tập mới đã cùng anh em trong tòa soạn đồng lòng  đổi mới nội dung để tờ báo đến được với công chúng ngoài Hà Nội, được bày ra các sạp báo ở Hạ Long, ở TP Hồ Chí Minh, ở Nghệ An, ở Hải Phòng, ở Đà Nẵng…Tâm sự với những người thân tín, Nguyễn Quang Hòa thổ lộ nỗi băn khoăn: Cũng là một tờ báo trực thuộc một Thành đoàn nhưng dù sinh sau đẻ muộn, tờ báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh lại có thể lớn mạnh đến vậy? Nguyễn Quang Hòa mong muốn sao cho tờ Tuổi trẻ Thủ đô bằng một phần nhỏ của tờ Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh. Từ lâu, Nguyễn Quang Hòa đã ấp ủ kế hoạch để xuất bản song song bên cạnh ấn phẩm báo giấy sẽ có thêm một ấn phẩm Tuổi trẻ Thủ đô điện tử. 
 

 Mai này chắc Tuổi trẻ Thủ đô sẽ trở lại như tờ tin nội bộ của Thành đoàn Hà Nội?
Ông Nguyễn Quang Hòa có học vị Tiến sĩ báo chí, là một trong số không nhiều Tiến sĩ chuyên ngành báo chí của nước ta. Ông đồng thời là tác giả của 2 cuốn sách "Phóng viên và Tòa soạn" xuất bản năm 2002 và mới đây là cuốn "Nghề báo: Những bài học nhớ đời". Ngoài giữ cương vị Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông còn tham gia giảng dạy tại Khoa báo chí Học viện báo chí tuyên truyền, khoa Báo chí, Đại học khoa học xã hội và nhân vân (Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhiều nơi khác. Dù là một “quan báo chí” nhưng Nguyễn Quang Hòa vẫn giữ nếp sống đạm bạc, giản dị. “Ngửi” thấy bài viết gai góc, ông thường yêu cầu phóng viên mang hồ sơ, tài liệu để chứng minh. Sau khi xem xét tài liệu, ông phải thận trọng trực tiếp sửa chữa, biên tập từng câu, từng chữ. Chính vì vậy, người ta thường thấy lúc nào ông cũng vội. Làm việc cả trưa, cả tối là chuyện bình thường đối với Nguyễn Quang Hòa. Những lúc như vậy, ông thường nhấc máy điện thoại và như đã quen lệ, chỉ một lát sau, một suất cơm hộp từ một quán cơm bình dân bên kia đường Lý Thường Kiệt, đối diện Tòa soạn được mang đến…

Dấn thân vào nghề cầm bút, ở hầu hết các cơ quan báo chí, các nhà báo- phóng viên, đặc biệt là các nhà báo viết về mảng nội chính, về chống tiêu cực luôn luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Việc các nhà báo bị kiện là chuyện thường tình. Lúc này, sinh mạng của nhà báo phụ thuộc vào bản lĩnh của vị thuyền trưởng- Tổng Biên tập. Không bao che cho những sai phạm của cấp dưới, trước khiếu kiện của bạn đọc hoặc của các cơ quan tổ chức gửi đến, Tổng Biên tập Nguyễn Quang Hòa thường thận trọng kiểm tra xác minh qua các kênh riêng của mình. Khi đã chắc chắn phóng viên của mình đúng, Nguyễn Quang Hòa sẵn sàng đương đầu chiến đấu ở mọi cấp để bảo vệ. Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã từng bị kiện ra tòa và Nguyễn Quang Hòa sẵn sàng theo kiện. Lúc này, Nguyễn Quang Hòa trở lên ương ngạnh trong mắt nhiều người. Nhưng nội bộ anh em trong tòa soạn đoàn kết, gắn bó. Tờ báo có bản sắc riêng, tạo được lòng tin của đông đảo bạn đọc.

Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu phức tạp từ ngày có thêm một bà Phó Tổng Biên tập Trần Thị Khiêm. Nội bộ tòa soạn bắt đầu chia phe, chia cánh. Nhiều phóng viên gạo cội không chịu được không khí nghi kỵ, u ám đã đành dứt áo ra đi.  Từ trước Tết Nguyên đán đã có tin đồn về việc ông sẽ bị điều chuyển công tác, tuy nhiên chưa rõ là bao giờ đi, đi nơi nào, làm gì... Do đó vào đầu tháng 2/2013, ông đã có thư gửi lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội bày tỏ mong muốn được làm rõ thông tin và nguyện vọng ở lại tiếp tục công việc hoặc nếu bị điều chuyển thì cần được biết lý do chính đáng, rõ ràng.

Từ việc này, ngày 14/3 Thành đoàn Hà Nội đã triệu tập cuộc họp gồm lãnh đạo Thành đoàn và tất cả cán bộ, nhân viên của báo Tuổi Trẻ Thủ Đô. Tại cuộc họp, Thành đoàn đã thông báo các nội dung: tin đồn dư luận về nhân sự của báo là không có cơ sở, ông Hòa vẫn là tổng biên tập và bà Khiêm vẫn là phó tổng biên tập báo. Tuy nhiên, chỉ hơn 20 ngày sau, ông Hòa lại nhận được thông báo điều chuyển công tác, người thay thế là bà Khiêm. Lý do điều chuyển công tác được Thành đoàn thông báo cho ông Hòa là để “tiện cho việc kiểm tra toàn diện hoạt động của báo”.

Theo ông Hòa, việc cơ quan chủ quản điều chuyển công tác là việc bình thường, nhưng trong sự việc này là nghiêm trọng và bất bình thường. Thứ nhất, Thành đoàn đột ngột thông báo điều chuyển công tác của ông nhưng không phải bằng văn bản (quyết định) mà chỉ bằng thông báo miệng. Ngày 9/4 mới thông báo mà hạn cuối cùng là ngày 15/4, quá gấp và không đủ thời gian để ông bàn giao công việc cũ và chuẩn bị cho công việc mới.

Cách làm việc khá bất thường này của Thường trực Thành đoàn Hà Nội đang gây hoang mang, khó hiểu trong cán bộ, phóng viên báo và nhiều đồng nghiệp gần, xa. Đông đảo bạn đọc đặt câu hỏi: Vì sao Thành đoàn Hà Nội, một cơ quan đại diện cho tuổi trẻ Thủ đô làm một việc khó hiểu, thậm chí là bất lợi cho cả cơ quan Báo và bạn đọc của tờ báo do Đoàn là cơ quan chủ quản…   
Lâm Thị Mỹ Khánh

Nguồn Tiên Lãng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More