CÁC ĐẢNG VIÊN KỲ CỰU PHẢN ĐỐI BƯỚC GIẬT LÙI SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP



Khi quay một bộ phim tài liệu về Hồ Chí Minh vào lúc đồng bào của ông chiến đấu với quân đội Hoa Kỳ những năm 1960, Trần Văn Tân quan sát thấy lối sống giản tiện của vị lãnh đạo Đảng này đã lôi kéo được sự ủng hộ của những người dân nghèo như thế nào.

Năm thập kỷ sau đó, Tân nói rằng các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản bây giờ quan tâm nhiều đến việc làm giàu cho bản thân hơn là làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bãi bỏ thể chế độc đảng sẽ dẫn đến sự “cạnh tranh lành mạnh” và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ông Tân, 65 tuổi, một công chức về hưu hiện đang bán chè ở trung tâm thành phố Hà Nội cho biết.

"Có những người không có đủ ăn, con cái của họ không có đủ quần áo che thân trong mùa đông", ông Tân nói. "Có những người nông dân không có đất. Họ rất nghèo, trong khi nhiều người trong giới lãnh đạo lại rất giàu có. Những lãnh đạo này giàu tới mức mà thế hệ con, cháu của họ cũng không xài hết tiền."

Tân là một trong số hơn 12.000 cựu quan chức, học giả và nông dân đã lên tiếng công khai chống lại đề nghị thay đổi hiến pháp nhằm tăng cường quyền lực của Đảng Cộng sản. Phong trào chưa từng có này đe dọa làm gia tăng những thách thức với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông tìm cách khôi phục nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp của Việt Nam, với nợ xấu ở mức cao nhất Đông Nam Á năm ngoái.

"Ngay cả nếu tình hình được kiểm soát và khôi phục, vấn đề vẫn còn đó. Đó là một sự kết nối thực sự", ông Ernest Bower, chủ tịch của Fairfax, BowerGroupAsia có trụ sở ở Virginia, chuyên tư vấn các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực Đông Nam Á, nói. "Đảng CSVN sẽ phải đối phó với điều này. Nếu hệ thống tiếp tục hành xử độc đoán khi những quyết định lớn được thực hiện, đó là đáng lo ngại vì nó có thể tạo ra tăng trưởng chậm hơn nữa và sự bất mãn ngày càng tăng. "

Chậu hoa với hình búa liềm tượng trưng cho Đảng CS trên đường phố Hà Nội. Các nhà lập pháp bắt đầu tiến trình sửa đổi Hiến pháp hai năm về trước, một phần để phản ánh sự thay đổi của đất nước từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung kiểu Xô-Viết sang nền kinh tế thị trường. Ảnh: Justin Mott/Bloomberg
'Chế độ độc tài toàn trị'
Chỉ số VN Index đã tăng 22% trong năm nay, đây là con số tăng trưởng tốt nhất ở châu Á, chỉ sau Nhật Bản, bởi vì dòng vốn ở một số nền kinh tế tiên tiến đã đổ vào các thị trường mới nổi. Chỉ số này, vốn tăng 18% vào năm ngoái, đã tăng 0,6% ngày hôm nay trước giờ nghỉ giải lao buổi sáng. Tiền đồng đã bị suy yếu 0,5% trong năm nay.

Các nhà lập pháp bắt đầu tiến trình xem xét sửa đổi hiến pháp hai năm trước đây, một phần để phản ánh sự thay đổi của đất nước từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung kiểu Xô-Viết sang nền kinh tế thị trường. Vào ngày 2/1, Đảng CSVN trưng cầu ý kiến của công chúng về các điều khoản mới và các thay đổi trong bản dự thảo hiến pháp, ví dụ như loại bỏ ngôn ngữ quy định khu vực nhà nước sẽ đóng "vai trò chủ đạo" trong nền kinh tế.

Hai tuần sau, Đảng CSVN đã nhận được những thách thức lớn nhất dành cho quyền lực của mình kể từ khi đất nước thống nhất cách đây 37 năm sau chiến tranh: Bảy mươi hai vị trí thức và cựu quan chức chính phủ, bao gồm cả nhiều đảng viên, đã đưa ra một bản dự thảo hiến pháp thay thế, đòi hỏi “cạnh tranh chính trị". Tuần trước, dự thảo đã nhận được hơn 12.000 chữ ký thông qua một chiến dịch vận động lấy chữ ký trực tuyến.

Nhóm này, trong đó bao gồm nhiều đảng viên của Đảng Cộng sản, đã đưa ra những lời phản biện sắc bén vào tuần trước, khi các nhà lập pháp từ chối xem xét đề nghị của họ. Trong một bài viết trực tuyến, họ kêu gọi các phương tiện thông tin đại chúng công bố tài liệu và thúc giục mọi người từ bỏ “chế độ toàn trị do một đảng lãnh đạo, đứng trên nhà nước và pháp luật, và từ chối rất nhiều quyền tự do và dân chủ được xác định trong Hiến pháp ".

“Cấm thảo luận”

"Chúng tôi trông đợi sẽ có cuộc đối thoại công bằng, thẳng thắn với họ, nhưng cho đến nay hoàn toàn không có cuộc thảo luận nào cả ", Phạm Chi Lan, người đã từng là cố vấn cho cựu Thủ tướng Phan Văn Khải, cho biết vào ngày 03 tháng 4.

Bản dự thảo thay thế, trong đó đòi hỏi bầu cử dân chủ và quyền sở hữu đất tư nhân, trái ngược với dự thảo hiến pháp của Chính phủ, vốn tiếp tục khẳng định quan điểm của hiến pháp hiện thời rằng Đảng Cộng sản "là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội."

Những người đứng tên ký dưới bản dự thảo thay thế có tên tuổi phải kể đến Hồ Ngọc Nhuận, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, và Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ. Nông dân từ Nghệ An, quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng đã ký vào bản kiến nghị.
“Đổ máu”

Nguyễn Quang A, một nhà kinh tế đã nghỉ hưu, người đã giúp viết dự thảo, cảnh báo tình trạng bạo lực tương tự như cuộc nổi dậy năm 2011 ở Ai Cập và Tunisia nếu chính phủ không giải quyết các tranh chấp đất đai, ví dụ như cưỡng chế đất đai bằng vũ lực. Khoảng 70% của 1,6 triệu khiếu nại nhận được của Thanh tra Nhà nước này trong khoảng thời gian từ năm 2008 tới 2011 liên quan đến vấn đề đất đai, theo một trang web của chính phủ.

Nông dân Đoàn Văn Vườn và năm thành viên trong gia đình đã bị kết án 5 năm tù giam vào tuần trước vì đã chống lại và bắn vào lực lượng công an tới cưỡng chế gia đình rời bỏ mảnh đất của họ, theo như một bài viết trên trang web của chính phủ ngày 5/4. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm ngoái nói rằng quyết định cưỡng chế là bất hợp pháp và đã ra lệnh điều tra.

"Chúng tôi muốn tránh bất kỳ cuộc đụng độ bạo lực nào mà có thể dẫn đến đổ máu," ông Quang A cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 22 tháng 3. "Đó là lý do tại sao chúng tôi đang làm điều này ngay bây giờ. Đảng và những người cầm quyền cần phải hiểu các vấn đề để tránh cho cả xã hội phải trả một giá quá đắt. "

Đảng đã chuyển hướng sang bịt miệng những người phản bác. Báo Gia Đình và Xã hội do nhà nước quản lý đã đuổi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên vào 26/2/2013, sau khi ông này viết một bài trên blog chỉ trích Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng, người đã phỉ báng những đòi hỏi phải có nhiều đảng phái chính trị hơn.
Nhạc sĩ bị bỏ tù

Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Tư Pháp đã tham gia ký bản kiến nghị, đã tuyên bố vào tháng trước rằng ông không tham gia chắp bút cho bản kiến nghị sau khi gặp gỡ với các quan chức Đảng CS. Chính quyền, nơi cho biết một phần sáu trong số 90 triệu dân Việt Nam đã tham gia góp ý sửa đổi hiến pháp, đã quyết định mở rộng thời hạn lấy ý kiến từ 31 tháng Ba sang tháng Chín, sau đó các nhà lập pháp sẽ xem xét các thay đổi.

Việt Nam thường xuyên bỏ tù những nhà bất đồng chính kiến kêu gọi mở rộng tự do chính trị. Trong tháng Giêng, 14 nhà hoạt động đã nhận được tới 13 năm tù vì tội lật đổ chính phủ bằng cách tham gia vào cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Năm ngoái, hai nhạc sĩ đã bị bỏ tù vì tuyên truyền chống nhà nước XHCN sau khi thủ tưởng Dũng ra lệnh đàn áp các blog đã đăng bài viết tấn công ông ta.

Năm ngoái, tranh chấp nội bộ đã khiến TBT Nguyễn Phú Trọng phải xin lỗi trước công chúng vì sự thất bại của Đảng Cộng Sản trong việc kiềm chế tham nhũng. Dũng và các nhà lãnh đạo hành đầu của chính phủ sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Quốc hội lần đầu tiên vào tháng tới.

Dũng cho biết trong tháng 12 rằng nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 5,5% trong năm nay, sau khi đã tăng 5,03% trong năm 2012, mức thấp nhất kể từ năm 1999. 20% tầng lớp giàu có của Việt Nam thu nhập trung bình cao hơn 9,2 lần so với 20% tầng lớp nghèo, tăng lên từ con số 8,4 lần năm 2006, theo Tổng cục Thống kê.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn trong năm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại một hội nghị được tổ chức bởi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 6 tháng Tư. Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng, bà nói.

Tân, người đã giúp bộ phim tài liệu về Hồ Chí Minh, nói rằng điều quan trọng là phải vận động cho một hệ thống đa đảng mặc dù thay đổi này có thể phải vài năm nữa mới tới.

"Chúng tôi có thể chẳng làm được điều gì đáng kể vào lúc này, nhưng chúng ta vẫn cần phải nói ra," ông nói. "Hy vọng rằng nó có thể giúp mọi thứ thay đổi dần dần."


Nguyễn Công Huân chuyển ngữ

(Dân luận)   



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More