Chiều nay (23/5), tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình đề xuất Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng kế nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Quốc hội sẽ thảo luận về đề xuất này của Chính phủ trong ngày mai, nếu chấp thuận sẽ tiếp tục trải qua các thủ tục miễn nhiệm chức danh Tổng kiểm toán, rồi bổ nhiệm chính thức ông Đinh Tiến Dũng theo đề xuất của Thủ tướng.
Trước đó, với 85% phiếu thuận, Quốc hội cũng đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ, người đã chuyển sang đảm nhận vị trí Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Cùng “hàm bộ trưởng”, nhưng cả ở Việt Nam hay nước ngoài, và trong mọi thời đại, vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính luôn được chú ý hơn những người đồng cấp. Dân gian nói “đồng tiền liền núm ruột”, trong khi các lý thuyết hiện đại về quản trị đều khẳng định vai trò quan trọng của nhười đứng đầu cơ quan hoạch định các chính sách liên quan đến tài chính.
Chuyện về “một thế hệ tài chính xuất sắc”
Nhiệm kỳ bộ trưởng của ông Vương Đình Huệ khá ngắn ngủi, nhưng việc được phân công giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương của Đảng được xem là một bước tiến về mặt chính trị. Ông Huệ, người từng học ở Học viện Tài chính và rồi từng là Hiệu trưởng của trường này, xứng đáng là một trong những người thành đạt nhất trong thế hệ của mình.
Nhưng ít người biết đến một thế hệ sinh viên tài chính khác, kém ông Huệ vài ba khóa, cũng xuất sắc không kém, trong đó có ông Đinh Tiến Dũng, người mà việc tiếp nhận chiếc ghế của người tiền nhiệm Vương Đình Huệ gần như chỉ còn là thủ tục.
Sự trùng hợp giữa ông Vương Đình Huệ và ông Đinh Tiến Dũng trong việc chuyển từ ghế Tổng kiểm toán sang ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính chắc chắn là một niềm tự hào cho một thế hệ sinh viên tài chính xuất sắc, khi mà chính thế hệ này đã và đang khẳng định mình trên chính trường.
Trong bảng vàng truyền thống của Học viện Tài chính, lớp sinh viên này xứng đáng được lưu danh vì những gì họ đã đạt được nếu tính đến thời điểm 2013 này, chưa kể cả một hành trình công danh rộng mở phía trước.
Học cùng lớp với ông Đinh Tiến Dũng là một chính khách họ Đinh khác cũng nổi tiếng không kém hiện nay: ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Cả hai cũng từng có thời gian làm việc cho Tổng công ty Sông Đà, nơi mà từ đó, hành trình của mỗi người có khác nhau, song về tổng thể đều hết sức hanh thông.
Một bạn học khác của ông Dũng và ông Thăng, ông Dương Ngọc Long, hiện đang là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, là người từng nắm giữ chức Giám đốc Sở Tài chính Thái Nguyên, một công việc “đúng chuyên môn” theo cách hiểu thông thường.
Thú vị hơn, hàng chục bạn học khác của ông Dũng và ông Thăng hiện đang là giám đốc sở tài chính, phó tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty hàng đầu Việt Nam như Sông Đà, Petro Vietnam… Trong bảng vàng truyền thống của Học viện Tài chính, lớp sinh viên này xứng đáng được lưu danh vì những gì họ đã đạt được nếu tính đến thời điểm 2013 này, chưa kể cả một hành trình công danh rộng mở phía trước.
Người viết từng được xem một tấm hình ghi lại khoảnh khắc “họp lớp” khá giản dị của các vị lãnh đạo này, trong đó có hàng loạt cái tên đã trở nên quen thuộc hoặc ít nhất cũng đã từng xuất hiện trước truyền thông.
Theo ghi nhận của VnEconomy, hồi cả Bộ trưởng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Đinh La Thăng mới được bổ nhiệm, có những đồn đoán rằng liệu có phải ông Huệ là… thầy giáo của ông Thăng không. Cơ sở của đồn đoán chính là việc ông Huệ từng là giảng viên trong Học viện Tài chính mà lại lớn tuổi hơn ông Thăng. Tuy nhiên, trong một phút “trà dư tửu hậu” với cánh báo chí, ông Thăng đã khéo léo phủ nhận điều này, khi nói ông Huệ là bậc “đàn anh” của mình khi còn học trong trường.
Ghế nóng
Ông Vương Đình Huệ được Quốc hội khóa XIII giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp thứ nhất, tháng 8/2011. Trước đó, ông từng có 5 năm giữ cương vị Tổng kiểm toán Nhà nước. Ông Huệ cũng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội XI năm 2011.
Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng của mình, ông Huệ để lại khá nhiều ấn tượng với công luận, đặc biệt trong việc điều hành giá xăng dầu ngay sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách sụt giảm, ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn nóng từng ngày với những sức ép lớn từ thực tiễn đời sống.
Từ năm 2008, Nghị định số 118/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính đã xác định nhiệm vụ của Bộ là cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Tính liên ngành trong công việc là một trong những đặc thù trong công việc của Bộ Tài chính. Cho dù theo quy định chung của pháp luật, thông thường mỗi bộ chỉ có 4 thứ trưởng, thì riêng Bộ Tài chính đã có tới 9 thứ trưởng, tính thêm Bộ trưởng là 10 nhân sự lãnh đạo cấp cao.
Điều công luận chờ đợi là trên nền những thuận lợi ấy, ông Đinh Tiến Dũng sẽ làm như thế nào để viết tiếp một hành trình đẹp của cả một “thế hệ tài chính xuất sắc”, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn khó khăn nhiều bề!
Khi ngân sách quốc gia vẫn đang gánh hầu hết những chi phí quan trọng nhất, từ đầu tư hạ tầng, an ninh quốc phòng, giáo dục, y tế, văn hóa… áp lực cho người đứng đầu Bộ Tài chính là không nhỏ. Làm gì để hài hòa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, các lợi ích quốc gia và các lợi ích ngành, địa phương… là bài toán không dễ cho bất kỳ một chính khách nào sắp ngồi vào ghế nóng.
Trong khi nhận nhiệm vụ từ Chính phủ về việc cân bằng thu chi ngân sách và vô vàn công việc khác, chỉ một năm rưỡi nắm ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã đưa lại cho ông Vương Đình Huệ những trải nghiệm phong phú: những chính sách tốt chưa hẳn được ủng hộ như trong câu chuyện điều hành giá xăng dầu; trong khi mỗi chuyến thăm viếng địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính luôn phải nghe những đề xuất “xin cơ chế riêng” hoặc hỗ trợ từ ngân sách.
Ghế bộ trưởng khi được chuyển giao cho ông Đinh Tiến Dũng dự kiến sẽ là một quyết định nhận được nhiều sự ủng hộ. Vị chính khách “gốc tài chính” này không thiếu trải nghiệm về chính trị khi từng là bí thư tỉnh ủy, cũng từng hoạt động trong doanh nghiệp và tham gia quản lý tài chính ở cấp thứ trưởng phụ trách tài chính ở Bộ Xây dựng.
Trong bài phát biểu giới thiệu ông Đinh Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận xét ông là cán bộ được đào tạo cơ bản, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong bộ máy nhà nước. "Trong quá trình công tác, ông Đinh Tiến Dũng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực quản lý tài chính nhà nước", Thủ tướng nói.
Điều công luận chờ đợi là trên nền những thuận lợi ấy, ông Đinh Tiến Dũng sẽ làm như thế nào để viết tiếp một hành trình đẹp của cả một “thế hệ tài chính xuất sắc”, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn khó khăn nhiều bề!
Nguồn vneconomy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét