Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cần phải bị bãi chức và bị điều tra, theo yêu cầu của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, trong phần cuối loạt bài về vấn đề điều hành ngân hàng và thị trường tài chính Việt Nam.
Thái độ bất nhất thường trực luôn có thể dẫn đến một hệ quả đảo lộn giá trị về chân đứng chính trị.
Vào cuối tháng 5/2012, lần thứ hai kể từ khi nhậm chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình lại công bố tỷ lệ nợ xấu lên đến 10% chẵn, so với tỷ lệ chỉ có 3,4% mà ông Bình công bố cũng trước Quốc hội vào tháng 11/2011. Như vậy chỉ trong thời gian 6 tháng, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã tăng gấp ba lần mà không kèm theo một lý do xác đáng nào.Bất nhất lại là một thói quen kinh niên của cơ quan Ngân hàng nhà nước và Thống đốc Nguyễn Văn Bình, khi hành động mang tính hệ thống của họ khó có thể được xem là đồng nhất với thực trạng điêu đứng của nền kinh tế.
Hơn nửa năm sau, tỷ lệ nợ xấu lại đột ngột bị Thống đốc Nguyễn Văn Bình “rút” xuống còn đúng 6%, cũng không được đính kèm bất cứ một giải thích minh bạch nào.
Nhưng từ tháng 6/2011, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập có uy tín của quốc tế là Fitch Ratings đã công bố tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam lên đến 13%, tức gấp 4 lần con số báo cáo của Ngân hàng nhà nước.
Đến đầu năm 2013, ông Trần Đình Thiên - một thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đã lần đầu tiên thừa nhận về cơn ác mộng khó có lối thoát mà nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam đang chìm trong cơn hôn mê sâu.
Bức tranh mà ông Thiên phác họa thật u ám: mức tăng tín dụng rất thấp và khó có khả năng khôi phục nhanh; số doanh nghiệp đóng cửa quá nhiều và còn tiếp tục tăng nhanh, trong đó con số 15.300 doanh nghiệp đóng cửa trong quý 1/2013 là mức rất cao; nợ xấu khó giải tỏa nhanh; các cơ chế xử lý nợ xấu không thể vận hành sớm; chưa thể phá băng bất động sản, lượng vốn lớn tiếp tục bị chôn, gây tắc nghẽn nguy hiểm; khả năng phá sản một số ngân hàng yếu kém…
Vào lúc này, người ta đang tự hỏi: nền kinh tế Việt Nam sẽ tồn tại và đi lên bằng nội lực sản xuất của nó, hay được quy chiếu bởi các thị trường đầu cơ?
Liên quan và dính líu gần như trực tiếp về trách nhiệm đối với tình trạng siết tín dụng một cách cực đoan, đẩy nhanh tình trạng phá sản của rất nhiều doanh nghiệp khiến nền kinh tế gần như cạn kiệt sức hồi sinh, những gì chưa làm được của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã trở nên những yếu điểm quá lớn trong khoảng thời gian chưa đầy hai năm, gây tắc nghẽn huyết mạch tín dụng và đe dọa quá nghiêm trọng đến sự tồn vong của nền kinh tế.
Nhưng những yếu điểm trên chỉ thuần túy là tư duy và tư thế yếu kém trong điều hành hay còn bởi nguyên do nào khác?
Nhìn lại dĩ vãng, vào tháng 8/2011, tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã được người dân và báo giới đã từng kỳ vọng như một “gương mặt mới”.
Có thể, gương mặt mới đã xuất hiện, nếu không bị lấn chèn bởi những động cơ cũ.
Quá nhiều nghịch lý và khuất tất của Ngân hàng nhà nước và cá nhân lãnh đạo Nguyễn Văn Bình trong một thời gian khá ngắn ngủi đã làm dấy lên sự phản ứng và bức xúc từ rất nhiều chuyên gia và báo giới.
Điều 88
Bất chấp nhiều khuất tất trong quản lý điều hành thị trường vàng, người từng bông đùa “Xin nhận nửa giải Nobel hòa bình” do thành tích “Làm những gì đã hứa” lại đã phản ứng một cách không mấy hòa bình đối với báo chí.
Vào những ngày cuối năm dương lịch năm 2012, trong một cuộc gặp gỡ báo chí, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã lần đầu tiên bày tỏ “chính kiến”: “Trong 100% khó khăn của ngành ngân hàng thì báo chí đã gây ra đến 40-50%”. Ông Bình cũng cho rằng báo chí chạy theo vụ việc đơn lẻ, thổi phồng lên quá đà, tạo dư luận chung trong xã hội không tốt…
Ngay sau phát ngôn trên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu đã phản bác: “Trên thực tế, các vụ việc lớn đều bắt nguồn từ những sự việc đơn lẻ và rời rạc. Nếu không có báo chí phanh phui ra tiêu cực, sai phạm của ngân hàng, chỉ ra bất ổn trong điều hành chính sách, phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp, kỳ vọng của người dân với chính sách tiền tệ thì ngành ngân hàng khó mà rút ra được bài học gì”.
Nhưng bỏ qua khuyến cáo của những người còn giữ được lòng nhiệt huyết đối với hiện tình và tương lai đất nước, lời phát ngôn xuất thần mang tính quy kết trách nhiệm đối với báo chí của ông Nguyễn Văn Bình lại là một bài học lạnh lẽo trở về quá khứ, đồng thời gợi mở cho một hành động tiếp theo và cứng rắn hơn nhiều: “khởi tố” báo Thanh Niên.
“Cáo trạng” trong văn bản của Ngân hàng nhà nước gửi Tổng cục An ninh II thuộc Bộ Công an về bài viết “Rửa vàng…” trên báo Thanh niên rất có thể làm người ta liên tưởng đến một thực tiễn mà nhiều chính phủ và tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng đã và đang bị lạm dụng ở Việt Nam: hình sự hóa vấn đề dân sự và quy chụp cho những người muốn thể hiện chính kiến bằng việc áp đặt điều 88 của Bộ luật hình sự về “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Trong âm điệu và hơi thở của mình, dường như Ngân hàng Nhà nước đang muốn trở thành Bộ Công an thứ hai.
Giờ đây, âm điệu và hơi thở đó còn mang nội hàm trái ngược: phản ứng quyết liệt đối với những ý kiến phản biện và tố cáo.
Hành động bị dư luận chung coi là hoàn toàn thiếu khôn ngoan như trên của Ngân hàng nhà nước và cá nhân ông Nguyễn Văn Bình đang gây tác động tiêu cực lớn đến uy tín của một chính phủ vẫn tuyên bố lấy dân chủ làm trọng và không có “tù nhân lương tâm”.
Ưu ái ai?
"Những công việc được gọi là “điều hành kinh tế linh hoạt và uyển chuyển” trong những năm qua, với sự tham mưu đắc lực của Ngân hàng nhà nước, dường như chỉ mang đến hậu quả quá lớn."
Được xem là “cánh tay phải” của Chính phủ, chỉ trong chưa đầy hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã cống hiến một phần không nhỏ vào trào lưu làm suy thoái nghiêm trọng uy tín của chính phủ và cá nhân thủ tướng trong nhận thức còn lại của người dân.
Những công việc được gọi là “điều hành kinh tế linh hoạt và uyển chuyển” trong những năm qua, với sự tham mưu đắc lực của Ngân hàng nhà nước, dường như chỉ mang đến hậu quả quá lớn về tham nhũng, nợ công, nặng thuế và đời sống ngày càng trở nên khốn khó của đại bộ phận dân chúng, trong đó có cả một bộ phận công chức và viên chức nhà nước.
Số tiền 170.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước bơm vào thị trường liên ngân hàng trong dịp tết năm 2012 đã cho thấy cơ quan này không hề thiếu tiền, thậm chí thanh khoản còn “dồi dào” như xác nhận sau đó của chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Số tiền này, vào khoảng 8,5 tỷ USD, còn vượt hơn cả gói kích cầu 8 tỷ USD năm 2009 - một ngân sách mà cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ cơ quan nào làm rõ được tính hiệu quả của nó.
Thế nhưng, một nghịch lý quá đáng buồn là tiền lại chỉ được bơm cho hệ thống ngân hàng thương mại, để hệ quả tiếp liền là hệ thống này tràn ứ vốn mà không tiêu thụ được.
Tình hình trên cũng cho thấy Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã quá ưu ái một số ngân hàng thương mại chủ chốt, trong khi bỏ mặc cả một nền quốc kế dân sinh bị đói vốn thảm thiết.
Vì sao lại có sự thiên lệch về quan điểm và tình cảm trong chuyện bơm vốn như thế? Phải chăng những điều dư luận thường đồn đoán về mối quan hệ “ruột rà” giữa Ngân hàng nhà nước với một số ngân hàng thương mại nào đó là có thực?
Sự thật là nếu không quá thiên vị nhóm lợi ích ngân hàng và vốn được bơm đều đặn vào hệ thống kinh tế cùng các doanh nghiệp từ năm 2011 với lãi suất cho vay ưu đãi từ 10-13%, nhiều khả năng nền kinh tế sẽ không chìm trong cơn hôn mê sâu như hiện nay, các doanh nghiệp thoát khỏi cảnh “chết lâm sàng” và còn có khả năng trả nợ cho ngân hàng thương mại, để đến lượt mình, hệ thống ngân hàng cũng không phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ dây chuyền như hiện thời và trong tương lai cận kề.
Tuy nhiên, giả thiết tốt đẹp đó đã bị Ngân hàng nhà nước đảo ngược thành một thứ giá trị hoàn toàn khác.
Yếu kém hay vì lợi ích nhóm?
Yếu kém về năng lực điều hành hay còn bị chi phối bởi nhóm lợi ích - đó là câu hỏi mà dư luận người dân và giới phản biện Việt Nam đang yêu sách một cách khẩn thiết đối với cơ quan Ngân hàng nhà nước và Thống đốc Nguyễn Văn Bình.
Tại Việt Nam, một cuộc thanh tra của Thanh tra chính phủ đối với thị trường vàng và trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước đã khởi sự vào tháng 4/2013.
Hiện chưa biết cuộc thanh tra trên có được tiến hành công tâm với kết luận xác đáng hay không, nhưng một trong những phản biện gia là nhà kinh tế Lê Đăng Doanh đã phản hồi đầu tiên:
“Về điều hành của Ngân hàng nhà nước, thanh tra cần làm rõ việc tổ chức đấu thầu vàng để làm gì? Tại sao lại gây ra tình hình độc quyền? Các chính sách pháp luật quản lý thị trường vàng có lợi cho ai?”
Lợi ích nhóm - một trong những chủ đề nóng bỏng không chỉ về xã hội mà còn liên quan đến “sự tồn vong của chế độ” - như điều mà người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đã hé lộ, lại đã chưa thể được điềm chỉ, dù dân chúng vẫn quá kinh ngạc về sự hiện diện không cần che giấu của các nhóm lợi ích vàng và ngân hàng.
TPP hay khủng hoảng kinh tế?
"Việc xét lại những “công bộc” có biểu hiện ít nhất là vô trách nhiệm với nhân dân có lẽ là cơ hội và cũng là một lối thoát chính trị khôn ngoan cho những chính khách cao cấp mẫn cảm với thời cuộc."
Minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế lại là một trong những điều kiện then chốt của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tha thiết muốn gia nhập.
TPP cũng đang được xem là lối thoát khả dĩ gần như duy nhất cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế suy thoái khó có đường ra, sau những thất bại không thể phủ nhận qua 6 năm tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO) mà theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, xuất khẩu của Việt Nam - niềm tự hào kinh tế lớn nhất hiện thời - không hơn gì nhiều so với trước
Đã không mấy có ý nghĩa về tính thực chất khi gia nhập WTO, thật khó có thể hy vọng về một lối thoát cho nền kinh tế Việt Nam cho dù có được chấp thuận vào TPP.
Khả năng điều hành kinh tế yếu kém, lồng trong bối cảnh bị xen cài quá nhiều bởi các nhóm lợi ích và “nhóm thân hữu” - một cụm từ thời thượng xuất hiện trong thời gian gần đây trong báo cáo của cơ quan kiểm tra đảng, hố phân cách giàu nghèo ngày càng lớn lao đang khiến xã hội bị đẩy vào một vòng xoáy không ngoi lên được.
Nếu không tự cải tạo về những hình ảnh hoàn toàn mất cân đối trên, kinh tế Việt Nam sẽ không có, dù chỉ một cơ hội nhỏ nhoi, để “thoát đáy”, bất kể những lời khen tặng của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng phát triển Á châu có giá trị ngoại giao hay không.
Từ lời cảnh báo “ruộng khô lúa cháy” của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đến hình ảnh “cái chết lâm sàng” của các doanh nghiệp, tất cả đều chung một nội hàm.
Nếu nội hàm đó không được khẩn cấp cải thiện, không những chính phủ Việt Nam không giải quyết được nợ xấu vào năm 2015 mà một cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế, hay còn gọi là “suy thoái kép”, có thể sẽ bùng phát, khởi nguồn từ hiệu ứng domino của giới chủ ngân hàng và tiếp tới dắt dây lan tỏa ra toàn bộ huyết mạch kinh tế.
Không khí xã hội cũng vì thế có nhiều “triển vọng” phát sinh những phản ứng ghê gớm và dễ mất kiểm soát hơn nhiều - một quy luật có thể gây sụp đổ chân đứng của bất kỳ chế độ chính trị nào.
Nếu vào giai đoạn 2014-2015, nền kinh tế thế giới không thể tránh thoát được tương lai khủng hoảng mà Nouriel Roubini - người được mệnh danh là “tiến sỹ tận thế” - đã dự báo, kim ngạch xuất khẩu lẫn doanh số tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ nhanh chóng rơi về trạng thái chân không, lại càng đẩy xã hội vào một vòng xoáy hỗn loạn với mô men lực đầy tính “quyết tâm”.
Là một quan chức tuy khá kín kẽ và thâm trầm nhưng không tránh khỏi điều tiếng không ít của dư luận về mối liên đới trực tiếp và gián tiếp đến các nhóm lợi ích vàng và ngân hàng, ông Nguyễn Văn Bình cần phải bị bãi chức và bị điều tra ngay lập tức về tài sản cá nhân và trách nhiệm trong điều hành tín dụng, lãi suất và thị trường vàng.
Kỳ họp thứ 5 quốc hội đang đến vào tháng 5/2013, cũng là một sự nhìn nhận lại về công tác nhân sự, tư cách đảng viên và uy tín các lãnh đạo đầu ngành thông qua cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt, lần đầu tiên được đưa ra thực hiện ở Việt Nam.
Cũng đã đến lúc cần và phải có một hồi kết dứt điểm về chỉ số tín nhiệm đối với một quan chức cao cấp - người chỉ trong chưa đầy hai năm từ khi trở thành lãnh đạo đầu bảng của Ngân hàng nhà nước, đã dính líu gần như trực tiếp về trách nhiệm đối với ít nhất hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải giải thể và phá sản cùng tình trạng thất nghiệp lan tràn không thể thống kê ở Việt Nam.
Trong một động thái vừa ẩn lắng vừa lộ diện sau Hội nghị trung ương 7, việc xét lại những “công bộc” có biểu hiện ít nhất là vô trách nhiệm với nhân dân có lẽ là cơ hội và cũng là một lối thoát chính trị khôn ngoan cho những chính khách cao cấp mẫn cảm với thời cuộc.
Nguồn BBC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét