NICK vs NICKNAME


20130523121519-1

Học đòi các anh mần báo kiếm cơm, em cũng giật tít kiểu vang, rền, nền, nảy cho nó tỏa mùi thơm như thính. Chứ kỳ thực nghèo kiết xác như em đến tiền vé đi xem anh ấy chém gió còn chả có, nói gì đến tài trợ với chả Tài Em...

Nhưng nếu nhà có điều kiện như bác tổng Hoa Sen thì em sẽ quyết mời anh ấy quay lại VN lần nữa, thánh họ!!!. Hiệu ứng của anh ấy sao mà tuyệt thế, làm cả 1 cõi OF mã lực thâm hậu cũng xáo xác 1 phen gió bão bập bùng, cái sự thiện tâm, lòng trắc ẩn, đạo làm người sao cứ là chứa chan đến nổi cả váng. Cứ ngỡ việc cười thuê khóc mướn nó chỉ tồn tại trên facebook hay diễn đàn của các cháu trẻ trâu, đâu ngờ lan trên này như 1 thứ dịch tễ không có thuốc ngừa...

Cũng toẹt luôn 1 câu là em mong Nick quay lại đây không phải để diễn thuyết cho những người khuyết tật về thân thể cách vượt qua chính mình mà mong anh ấy sẽ rửa chua, oánh phèn thanh lọc lại cho những tâm hồn què quặt, khô hạn về ý tưởng, đầy mầm bệnh tư duy ốm yếu, nghèo nàn về trí tuệ và đầy rẫy những uẩn ức, đố kị đến kinh ngạc...

Thử lược ra mấy yếu tố khiến anh khoai tây thành hàng hot xem sao:

- Anh ấy không có cả chân lẫn tay, anh đã 3 sọi nhưng mới nổi tiếng vài năm nay, ấy là nhờ nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, nó là cả 1 quá trình. Anh không nổi tiếng qua 1 đêm như nhiều trường hợp tình cờ đến bất ngờ khác.

- Anh đã đi diễn thuyết ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, gặp mặt trực tiếp 8 nguyên thủ quốc gia.

- Anh điều hành 2 công ty riêng.

- Anh điều hành 1 quỹ từ thiện.

- Kỹ năng nói chuyện hấp dẫn, lôi cuốn.

- Khuôn mặt tràn đầy sức sống, yêu đời và hạnh phúc.

- Anh có cô vợ xinh đẹp, 1 đứa con khỏe mạnh và xinh xắn.

Theo dõi các video clip về các tài lẻ của anh, người xem đi từ ngạc nhiên đến thán phục, đặc biệt là kiểu bơi kỳ lạ với đôi mắt mở to dưới nước thì phải nói là phi thường, cái gì mà hiếm khi nhìn thấy trong cuộc sống là phi thường rồi.

Mặc dù anh khét tiếng ở bển, nhưng ai và cái gì khiến anh đến 1 đất nước hiếu khách như Việt Nam?

- Nhà xuất bản tự truyện của anh muốn quảng bá cho cuốn sách.

- Nhà phát hành tại VN cũng có ý muốn tương tự.

- 1 tập đoàn kinh tế muốn quảng cáo.

- Giới truyền thông cũng muốn thành tiếng gai hót trong bụi mận chim.

- Nhiều tổ chức thiện nguyện, nhiều tầng lớp người, những khách hàng hào phóng sẵn sàng bỏ tiền ra để phục vụ cho nhu cầu riêng của bản thân, tóm lại là miếng bánh giành cho rất nhiều người.

Vâng, mục đích chỉ giản dị có thế thôi, anh cũng như bầu đoàn thê tử của anh chỉ mong bán được nhiều sách, ý tưởng ban đầu có thể thuần là 1 vụ tiếp thị kinh doanh. Nếu có thể, nó giúp cho ai đó thêm nghị lực, hoặc đôi chút niềm tin an ủi, hay chí ít là thỏa chí tò mò vốn là thuộc tính cố hữu của loài người. Vậy mà vô số các vĩ nhân tỉnh lẻ, những nhà đạo đức học trồng răng, những triết gia chợ người cứ ra sức khoác những chiếc áo quá rộng và có mùi lên người anh. Quá đà hơn là những hành động ném đá tập thể, cứ làm như anh là hiện thân của sự rởm đời, hợm hĩnh, ăn may, là sản phẩm tô son chát phấn của giới truyền thông không bằng.

Dù cho anh tỏa sáng được như hôm nay cũng nhờ phần lớn ở giới truyền thông, nhưng như người Tàu cổ có câu: "Ai khéo chê đến đâu cũng không giấu được nét đẹp của nàng Tây Thi nước Việt. Ai khéo khen đến đâu cũng không che được cái xấu của nàng Chung Vô Diệm nước Tề". Hữu xạ tất có mùi(Phỏng?). Anh tuyệt nhiên không là 1 sản phẩm ảo trong 1 thế giới phẳng toàn cầu, anh thật như ngoại hình của anh, như cục đất, bản thân tấm gương vượt khó của anh là hoàn toàn có thật và có sức lay động lòng người. Anh xứng đáng nhận được sự kính trọng của mọi người kể cả người khuyết tật và người lành lặn.

Oái ăm thay, xu hướng ném đá vào anh hoặc e kíp của anh hoặc đối tác làm ăn của anh lại đến từ những người được coi là lành lặn về thân thể, từ 1 đất nước hiếu khách, 1 đất nước có lịch sử bị tổn thương và kỹ năng vượt khó thuộc loại giỏi nhất thế giới. Điều gì đang xảy ra với họ vậy?

Kẻ tung, người hứng rộn ràng như sơn đông mãi võ, lâm li như bán dạo thuốc chuột Hoàng Tiến 1 thời: Nào là sản phẩm tạo dựng o bế của truyền thông, may mắn vì sống trong môi trường tốt, thương mại hóa lòng trắc ẩn, háo danh, hợm hĩnh như VIP, rồi thì các đối tác của anh lãng phí tiền của, sao không đem tiền ấy mang đi từ thiện? Hờn trách dư luận với luận điệu bụt chùa nhà không thiêng, lôi cả những người quá cố ra như 1 minh chứng hùng hồn về sự lãnh cảm của người đời. Quá đáng hơn thì cạnh khóe chế độ, nhai mãi cái luận điệu thiên đường với cả giãy chết, cứ như anh là vật đối trọng lung linh so với 1 xã hội thối nát tồi tệ mà họ là nạn nhân không bằng. Trong khi hàng ngày họ gái gú ngày quất đôi nhát, lô đề bạch thủ không tiếc tay, vì chút sỹ diện rởm mà móc họng nôn ra bia Hà Nội xịn chỉ để phân cao thấp, nếu có chót đua đòi đi làm từ thiện thì rầm rập như đi du lịch, tiêu tiền như công tử Bạc Liêu. Sao những lúc đó họ không nghĩ đến những người đói khổ, lăn lóc vệ đường, những hoàn cảnh khó khăn ngập tràn trên các nhật báo nhỉ? Phải chăng lòng thương cảm đời thường thì nó khác với sự sẻ chia bác học trên bàn phím chăng?

Lột trần những đối tượng này ở giữa ngã 3 đường sẽ thấy rõ, chả phải họ đau nỗi đau đời cho nhân loại, cũng chẳng phải họ thương xót gì cho người khuyết tật. Đôi khi, chỉ là chút phiêu lưu vị kỉ khi đi ngược dòng, bày tỏ tý chính kiến trái khoáy hời hợt cho nó có chút cá tính không giống ai. Hoặc là chửi đổng để giải tỏa những ẩn ức giấu kín của kẻ yếm thế, bất đắc chí, giận thân, ghét đời. Như 1 dịch hạch, nó lây nhiễm từ kẻ ít tuổi đời, non tuổi nghĩ sang mấy ông cao tuổi đời, thấp đạo đức, hiếu sự và đầy lòng đố kị.

Em vẫn thích 1 câu cách ngôn lâu lắm rồi: "Nếu không thể là 1 vì sao lấp lánh trên trời, thì hãy làm 1 ngọn lửa trên núi, hay chí ít cũng là ngọn đèn trong nhà" hãy tỏa sáng và có ích cho mình hoặc cho mọi người.

Xã hội không trở nên tốt đẹp hơn nhờ những thành phần này. Xã hội không cần những kẻ xuất thế tự ti trong cõi riêng tự giam cầm trí tuệ bản thân nhưng cũng không cần những đao to búa lớn của những kẻ nhập thế ồn ào xôi thịt. Xã hội vẫn phát triển nhờ nguồn cảm hứng bất tận được khởi tạo từ anh Nick, được kích hoạt từ những hành động sẻ chia, đồng cảm với những thân phận nhỏ bé đáng thương đang vật lộn mưu sinh trong cuộc sống nhiều thử thách ngày nay. Xã hội vẫn phát triển lành mạnh như tâm hồn khỏe khoắn của anh Nick và miễn nhiễm với những ý nghĩ, tư tưởng độc hại đang bị tha hóa dần mòn của những tâm hồn khuyết tật đáng thương.

Thế nên, nếu có tiền là em sẽ mời anh ấy sang Việt Nam 1 lần nữa. Anh còn nhiều việc để làm...@ bài của con buôn nghẹo thụt HuyArt trên otofun.net

Nguồn của Phẹt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More