Công chức ở nước ta hiện nay cứ 3 người thì có 1 người ăn chơi. Tức là 1/3 làm việc thực sự hiệu quả, 1/3 thuộc loại làng nhàng, còn lại 1/3 là vô tích sự.
Bùi Đức (NLM số 218)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào". Và Phó Thủ tướng cũng khẳng định: “Nếu không đổi mới chế độ công vụ, công chức thì sẽ thất bại trước nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đây là công việc phức tạp, vì vậy việc đổi mới phải chặt chẽ nhưng không vì thế mà không dám làm, phải quyết tâm làm”.
Công chức ở nước ta hiện nay cứ 3 người thì có 1 người ăn chơi. Tức là 1/3 làm việc thực sự hiệu quả, 1/3 thuộc loại làng nhàng, còn lại 1/3 là vô tích sự. Lần đầu tiên Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ công khai thừa nhận con số đó. Các vị đã dùng hình ảnh để chỉ đám công chức vô tích sự ấy là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Đám công chức “cắp ô” ấy là ai?
Rất dễ thấy ở bất cứ cơ quan, đơn vị nào đang ăn lương bao cấp Nhà nước!
Lịch làm việc hằng ngày của công chức “cắp ô” như sau: Tầm 9 giờ sáng đủng đỉnh tới cơ quan. Sau tuần trà đặc, hút vài điếu thuốc thì bắt đầu đọc báo rồi chuyển sang “lướt web”. Các thông tin từ giá cả thị trường, tin nóng đến chân dài, lộ hàng và vụ án được tích hợp rồi chém gió bình luận, mua vui bằng những chuỗi cười rôm rả cho đồng nghiệp. Tiếp đến bàn luận chuyện cơ quan, chê người này, khen người kia. Và cuối cùng là đánh giá sếp này năng lực, trình độ yếu kém, sếp kia quan liêu…
Giờ ăn trưa đến, họ kéo nhau đi nhà hàng nhậu nhẹt. Đầu giờ chiều về, gác chân lên bàn đánh một giấc dài, ngáy vang như sấm. Khoảng 14 giờ tỉnh dậy, lại trà lá và tán chuyện tầm phào một lúc rồi... về, Thế là quanh năm, cơ quan, đơn vị và bạn bè chẳng biết họ làm công việc gì cụ thể và kết quả ra sao, chỉ thấy họ giỏi bốc phét. Họ là trung tâm gây mất đoàn kết nội bộ và cũng vô hình trung làm méo mó hình ảnh người cán bộ Nhà nước, giảm đi niềm tin yêu, kính trọng của nhân dân.
Theo số liệu hiện nay thì cán bộ công chức Nhà nước có 2,8 triệu người. Như vậy, số công chức “cắp ô” là 840.000 người. Nhưng đấy mới là nhẩm tính nhanh chứ thực ra, con số này còn lớn hơn nữa. Thế có nghĩa là, một người làm việc thực sự hiệu quả phải làm khối lượng công việc của 3 người, vì có một người chơi, một người làm việc kém hiệu quả thì nhiều khi phải làm thay cho họ. Thật bất công! Nếu tinh giản được biên chế, đuổi được đám công chức vô tích sự ra khỏi bộ máy thì người làm việc thực sự sẽ có mức lương cao hơn, xứng đáng với công lao cống hiến của họ. Nhưng biết đến bao giờ mới làm được việc đó bởi cơ chế tuyển dụng và quản lý như lâu nay.
Đề ra tiêu chí giữ chức vụ A, B, C phải có bằng cấp loại gì, thế là hàng loạt công chức đối phó hoặc đón đầu bằng cách đua nhau đi học tại chức để mua bằng. Như thế chỉ là học giả mà có bằng thật để chiếm giữ ghế lãnh đạo. Khi tuyển dụng người vào làm việc, các cơ quan cũng yêu cầu họ phải có bằng cấp nọ, chứng chỉ kia. Người đi xin việc nộp đầy đủ nhưng họ có làm được việc hay không lại là chuyện khác. Bởi đã có khoản tiền “bôi trơn”, hối lộ nên họ đương nhiên được tuyển dụng vào. Mà đã vào cơ quan Nhà nước, ăn lương từ ngân sách thì chẳng có lý do gì để dễ dàng đưa họ ra khỏi biên chế được. Thế là mỗi năm mất đi hàng chục nghìn tỉ đồng trả lương nuôi báo cô những công chức “cắp ô”, chưa kể chi phí điện nước, xăng xe, văn phòng phẩm.
Đã nhiều năm rồi, bao nghị quyết, chỉ thị, nghị định kêu gọi tinh giản biên chế nhưng không thấy biên chế giảm mà nó vẫn cứ phình ra. Nếu đưa ra cân nhắc loại trừ ai thì cơ quan nào cũng thấy vướng mắc. Có đối tượng thuộc hàng con cha cháu ông thì làm sao dám đụng tới. Có đối tượng đã lo lót chạy chọt và hầu sếp chu đáo lâu rồi thì cũng không nỡ bỏ. Thế là cùng ngồi lại cả. Cho thi công chức thì hàng trăm con người thi chung một bài trong khi làm việc thì có hàng chục công việc khác nhau nên thi cũng lại là hình thức.
Đó là chưa kể nhiều nơi, cứ tuyển dụng vào là làm đến lúc nghỉ hưu, chẳng có thi thố, sát hạch bao giờ. Mỗi kỳ nâng lương, nâng ngạch bậc, nỡ để sót ai là lại có kiện cáo om sòm, mất đoàn kết trong cơ quan. Chưa kể đến một số cán bộ tới tuổi nghỉ hưu nhưng tìm mọi cách xin được ở lại, kéo dài thời gian công tác. Còn có người khai man lý lịch, nếu truy xét đến cùng qua thời gian làm việc thì họ đã “thoát ly” để phục vụ cách mạng từ năm 13-14 tuổi. Thật nực cười mà vẫn tồn tại. Có những người “cắp ô” suốt đời, chẳng đóng góp được gì xuất sắc nhưng đến tuổi nghỉ rồi, cứ khẳng định “bây giờ mới đến độ chín”.
Rồi cái lệ “cha truyền con nối”, độc quyền trong tuyển dụng. Bố mẹ làm ở đâu thì thường cho con vào đó. Nếu cống hiến tốt thì không nói làm gì nhưng nhiều trường hợp chỉ để giữ chỗ, gạt bỏ nhân tài thực sự và rồi lớp con cháu họ cũng lại trở thành công chức “cắp ô”. Mô hình này diễn ra nhiều năm ở không ít cơ quan, đơn vị, ngành nghề; hầu như đóng cửa hoàn toàn với những lao động không có người nhà trong đó.
Nhìn thấy sự bất công, vô lý như thế, có người thắc mắc: Sao không “tống cổ” bớt cái đám “cắp ô” kia “về vườn”? Không hề đơn giản! Tâm lý người Việt Nam ta xưa nay vẫn trọng cái tình hơn cái lý. Mối quan hệ cấp trên với cấp dưới nhiều khi không rõ ràng, mang tính gia đình chủ nghĩa. Càng có nhiều người thân, họ hàng trong cùng cơ quan thì mối quan hệ này thể hiện càng rõ. Như thế thì làm sao mà “trảm” nhau được. Thậm chí không có quan hệ gia đình thì không ít vị lãnh đạo có chức, có quyền cũng dĩ hòa vi quý, tặc lưỡi cho qua bởi lương bổng không phải móc từ túi họ ra trả; sau này có nghỉ hưu thì chỉ có người mang ơn chứ không để kẻ mang oán họ.
Theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ thì hiện trạng ở nước ta, muốn tinh giản biên chế phải bắt đầu từ các bộ, ngành. Trong khi Chính phủ quy định mỗi cơ quan chỉ có 3 cấp phó thì ngay ở cơ quan Trung ương đã làm không nghiêm. Số lượng các thứ trưởng của các bộ quá nhiều so với quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương có tới 10 thứ trưởng. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính có 7 thứ trưởng. Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ có 6 thứ trưởng. Đa số các bộ còn lại đều có 5 thứ trưởng.
Số lượng cán bộ cấp phó của tổ chức vụ, cục cũng nhiều hơn theo quy định.
Có những vụ có tới 7-8 phó vụ trưởng. Bộ máy cấp sở, phòng của các tỉnh cũng rất cồng kềnh, làm đúng quy định thì giảm được một lượng công chức đáng kể (tiêu biểu như tỉnh Nghệ An, một sở có 4 phó giám đốc, một phòng có 6 phó phòng, có phòng chỉ có quan chứ không có quân).
Sau tinh giản bộ máy lãnh đạo và biên chế là đến bước tuyển dụng. Bộ Nội vụ vừa làm thí điểm thi công chức theo phương thức trắc nghiệm trên máy tính. Phương thức này bước đầu thể hiện được tính công bằng và minh bạch trong tuyển dụng, cần nhân rộng ra toàn quốc.
Một số giải pháp nêu trên sẽ phần nào giảm dần được số công chức “ăn theo, nói leo, trèo xe trước” như hiện nay.
Giảm được biên chế sẽ đồng nghĩa với việc tăng lương, nâng cao đời sống của số công chức có cống hiến thật sự.
Nguồn Xăng dầu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét