NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT


THƯƠNG THUYẾT: Bé, hẹp, đen, hôi cũng thành nghệ thuật được chứ sao! – Nhưng đã bị dừng… 07. 04. 12 - 1:44 pm

Bài và ảnh: B&G
(16h, 7. 4. 2012: Tin mới nhất là triển lãm này đã bị dừng lại.  Lý do là vì… có lý do. Sẽ không vào cổng chính của l’Espace được. Sẽ không có trưng bày video của quá trình tan băng. Việc các củ nghệ Hà Nội không đến dự khai mạc nghe đồn là vì biết triển lãm sẽ bị dừng. Tuy nhiên mời các bạn cứ đọc bài bên dưới, được post lên khi chưa biết tin mới này. Soi sẽ cập nhật thông tin sau. Khi đó sẽ có thêm chữ “cập nhật” ở tên bài.)


.

Triển lãm của Trần Trọng Linh

Khai mạc: 18h thứ Năm ngày 5. 4. 2012

Triển lãm từ 5. 4 đến 27. 4. 2012, gồm hai giai đoạn:
- trưng bày tác phẩm chính: từ 5.  4 đến 8. 4. 2012
- trưng bày video về quá trình tan chảy tác phẩm: từ 9. 4 đến hết 27. 4. 2012
Tọa đàm: 18h thứ Hai ngày 9. 4. 2012
Tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội)


Sông Tô Lịch là một con sông theo truyền thuyết là đẹp, sau bị lấp dần, nay cũng như sông Nhuệ là như một con kênh vừa bé vừa hẹp vừa đen vừa hôi. Đi ngang sông Tô Lịch, chúng ta ít khi nào nhìn xuống mặt nước…

Mặc dù đã đọc qua giới thiệu về triển lãm, rằng lần này chất liệu chủ đạo là nước sông Tô Lịch (đen ngòm) cho đóng băng, nhưng khi bước vào phòng và nhìn tận mắt, người viết vẫn thấy thích thú trước những khối băng đục ngầu này. Đi giữa những khối băng mát lạnh, lúc đầu tôi thắc mắc tại sao nước sông Tô Lịch lại không bốc mùi? nhưng chợt nhớ ra tại chúng đang đóng đá, từ từ đi chúng sẽ tan chảy, rồi sẽ bốc mùi.Không biết lúc đấy L’Espace sẽ xử lí như thế nào nhỉ.

Gần sát giờ khai mạc, vẫn có người phải lúi húi chỉnh lại những ống thoát nước từ cái khay đựng băng.

Khác hẳn với vẻ sạch sẽ, chỉn chu mọi thường, hôm nay sàn sảnh L’Espace đầy những đường ống với nước bẩn trên sàn. Tác phẩm là những tảng băng, xếp từng cặp một chồng lên nhau tạo thành một khối lớn. Quanh khối băng là khay có gờ màu đỏ giữ cho nước không chảy ra sàn khi băng tan.

Những người đến sớm tranh thủ đến gần ngắm kĩ hơn khối băng, hay chính xác là xem bên trong có những thứ rác gì.

Bám mặt ngoài những tảng băng nào là chai, lọ rác rưởi…

Ở khối băng này còn có cả một quyển sách trôi nổi. Nhìn thật đẹp.

Tác giả Trần Trọng Linh (áo tím) đang nói chuyện với bạn trước giờ khai mạc.

Ông giám đốc của L’Espace cũng đang xem xét tác phẩm.

Các bạn trẻ thì mải mê chụp hình những tảng băng đóng từ nước sông Tô Lịch.

6h15, khai mạc triển lãm. Ông Giám đốc trung tâm: “ Mọi người nói triển lãm này đâu có đẹp đâu, dùng để làm gì? Tại sao lại làm một triển lãm như thế này? Nó có tác dụng gì? Ý nghĩa của nó ra sao? Và tôi nhớ lại thời kì trước đây, thời kì mở đầu của chủ nghĩa ấn tượng, mọi người cũng thường gặp một câu hỏi, rằng đấy có phải nghệ thuật hay không? Câu trả lời thì ngày nay chúng ta đã rất rõ, rằng đó là nghệ thuật. Và triển lãm lần này cũng giống như những triển lãm đương đại khác, nó tạo ra một sự tương tác với người xem, tạo cho người xem suy nghĩ về những thứ xung quanh mình. Tôi nghĩ, qua dự án ngày hôm nay, Trần Trọng Linh muốn gợi cho chúng ta suy nghĩ về sự tiến bộ của xã hội hiện đại với những điều phát triển tốt đẹp sẽ luôn đi kèm với những điều xấu, những thác rải ô nhiễm…”

Sau đó Trần Trọng Linh phát biểu. Anh gửi lời cảm ơn đến những anh em, bạn bè đã giúp anh thực hiện triển lãm này, và cảm ơn vợ anh – một bác sĩ tâm lý học người Pháp. Xin lỗi là ảnh Trần Trọng Linh phát biểu chụp bị hỏng, dùng tạm ảnh này để các bạn xem mặt anh nhé. Linh mặc áo tím, sọc ngang.

Hôm nay, các khối băng chiếm khá nhiều diện tích sảnh trung tâm, mọi người phải túm tụm phía gần cuối sảnh để làm lễ khai mạc triển lãm.

Khách đến hôm nay cũng khá đông, đa số là các bạn trẻ.

Khai mạc xong, mọi người lại vào xem băng tan tiếp. Trẻ con là chăm chú nhất, tất cả đều tò mò bên trong khối băng có những gì.

Nghệ sĩ âm thanh Nhất Lý (tóc trắng đứng khoanh tay) cũng đến xem triển lãm.

Phòng triển đông đúc, nhưng sao không thấy các củ nghệ mọi khi vẫn hay dự triển lãm nhỉ?

Một triển lãm có “action”, ít nhất là từ phía “băng”, lại biến đổi từng ngày. Các bạn rất nên đến xem. Những người đã đến dự triển lãm này chắc chắn sẽ nhớ hơn cái tên Tô Lịch.
 Nguồn : Soi
____________________________

Nghệ sỹ khiếu nại lên Bộ Công an VN

Triển lãm Thương Thuyết trong năm 2012
Triển lãm nước đá tan chảy của Trần Trọng Linh thu hút sự chú ý

Ông Trần Trọng Linh, năm nay 34 tuổi, nói ông bị chặn không cho vào Việt Nam ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất hồi tháng 2/2013 khi bay từ Pháp về Việt Nam cùng hai con nhỏ, một dưới hai tuổi, một hơn bốn tuổi.

Nói chuyện với BBC hôm 7/5 từ Pháp, nghệ sỹ nó ông muốn chờ cho các con trở lại Pháp trước khi gửi kiến nghị tới Bộ Công an và Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch phòng trường hợp có những điều "không mong muốn" xảy ra với các cháu nhỏ.Ông đã phải nhờ người thân đón hai con nhỏ về trông giúp trong khi chờ gia đình từ Hà Nội bay vào đón hai cháu vì bị buộc phải bay trở lại Pháp trong cùng ngày.

Nghệ sỹ cũng cho rằng việc cấm nhập cảnh có thể do một triển lãm nước đá tan chảy từ sông Tô Lịch cùng các loại rác hai bên bờ sông trong đó có cả báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản và sách về Marx và Lenin.

'Cộng Hòa Phi Lý'

Ông viết trong đơn kiến nghị mà một bản sao cũng được gửi cho BBC:
"Năm ngoái 05-04-2012 tôi có nhận lời mời từ Trung Tâm Văn Hoá Pháp tại Hà Nội làm một cuộc triển lãm sắp đặt tại địa chỉ 24 phố Tràng Tiền.



"Trước đó trong dự án làm việc với bên Trung Tâm Văn Hoá Pháp triển lãm của tôi dự kiến mang tên:"Cộng Hoà Phi Lý".
"Nhưng trong quá trình xin cấp phép triển lãm bên phía an ninh văn hoá yêu cầu tôi đổi tên tác phẩm vì họ cho rằng tên tác phẩm "Cộng Hoà Phi Lý" là ám chỉ đến Việt Nam.
"Trước thắc mắc trên tôi có giải thích sơ qua về ý đồ tác phẩm của tôi rằng trong tác phẩm không có chủ ý nói đến nền chính trị tại Việt Nam vì trên thực tế nền cộng hoà còn gắn với nhiều quốc gia phát triển khác như: Cộng Hoà Liên Bang Đức hay Cộng Hoà Pháp,"
"Tuy vậy, trước yêu cầu của cơ quan an ninh văn hoá tôi đã phải chấp nhận thay đổi tên tác phẩm của mình là "Thương Thuyết".
"Triển lãm đã được khai mạc theo đúng dự địnhvới nội dung tác phẩm là 7 khối nước đá có tổng khối lượng là 21m3 nước thải sông Tô Lịch được đóng băng cùng với những rác thải được thu lượm bên hai bờ sông Tô Lịch.
"Kế hoạch trong triển lãm sẽ để cho 7 khối nước đá tan chảy trong môi trường tự nhiên trong vòng 5 ngày tuy nhiên, đến ngày thứ 3 thì bên an ninh văn hoá ra lệnh dừng tác phẩm mà không cho biết lý do cụ thể bằng văn bản."
Trong đơn kiến nghị, ông Linh cũng nói ông đã giải thích với phía an ninh văn hóa về ý đồ triển lãm trong các cuộc gặp sau đó.
"Tôi cũng đã trao đổi rất thẳng thắn và chân thành với bên an ninh văn hoá về những suy nghĩ và lập trường nghệ thuật của mình.
"Tôi có nói rằng: Yêu cầu mới của nghệ thuật ngày hôm nay là người nghệ sỹ phải có những nghiên cứu và thực hành nghệ thuật bày tỏ quan điểm cá nhân bằng ngôn ngữ của nghệ thuật và can thiệp trực tiếp vào đời sống xã hội.
"Cụ thể trong tác phẩm này tôi muốn đưa ra lý thuyết về "chủ nghĩa nghi vấn".
"Tôi muốn dùng thứ vật liệu mang tính không bền vững để nói đến môt xã hội xây dựng theo cái nền tảng thiếu tính bền vững.


"Như chúng ta đã áp dụng chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam từ nhiều thập niên và chúng ta đã tự nhìn thấy những mặt hạn chế không có khả năng khắc phục."

'Chân-Thiện-Mỹ'

Ông Trần Trọng Linh nói lý do gửi đơn khiếu nại là ông không rõ cấp nào được quyền cấm công dân Việt Nam vào chính nước của họ và luật pháp Việt Nam về vấn đề này ra sao.
Ngoài việc đòi giải thích rõ lý do cấm nhập cảnh và phục hồi "quyền lợi hợp pháp" của công dân, ông cũng đưa ra kiến nghị chung:
"Tôi xin kiến nghị bên an ninh văn hoá nên cởi bỏ dần nhưng ràng buộc và quy chế đối với nghệ sỹ, giúp nghệ sỹ được tự do hơn trong việc bày tỏ chính kiến bằng ngôn ngữ nghệ thuật."
"Chúng ta đã mở cửa và chấp nhận hội nhập với thế giới nghĩa là chúng ta chấp nhận sự bình đẳng và tự do với thế giới."
"Những hiểu lầm dẫn đến những cấm đoán như trong trường hợp của tôi dễ khiến chúng ta tự tách mình ra khỏi cộng đồng thế giới với các nước văn minh, đi ngược lại quá trình tiến hoá của nhân loại,"
"Cởi bỏ được những quy định giàng buộc đối với giới văn nghệ sỹ không chỉ giúp nghệ sỹ bày tỏ chính kiến, tự do sáng tạo mà cũng sẽ giúp người dân của chúng ta được tiếp cận với nghệ thuật, hiểu được những giá trị của nghệ thuật trong đời sống, giúp con người hướng tới những giá trị Chân-Thiện-Mỹ."


Nguồn BBC


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More