VAI TRÒ "ĐÁNG SỢ" CỦA CÒM SỸ TRONG TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ



“Còm sĩ” một khái niệm có lẽ mới được ra đời trong thời gian gần đây sau khi người ta đã quen với một số khái niệm trước đó như blog, Facebook, trang mạng xã hội, công dân mạng, …. Còm sĩ, nó được viết tắt từ âm đầu tiên của từ tiếng Anh -“comment”- phản hồi- với chữ “sĩ” thường được dùng để chỉ một người chuyên làm công việc đó như văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ,…..Nói một cách đơn giản “còm sĩ” để chỉ những người hay viết phản hồi, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình cho một vấn đề được trình bày trên mạng web/blog có dành cho mục viết phản hồi. Nó thú vị ở chỗ, khác với nhiều “sĩ” ở trên, còm sĩ làm việc của mình không có thu nhập, họ không thể sống bằng việc đi còm; chủ yếu nó giúp người ta giao lưu học hỏi, bày tỏ quan điểm của mình trên những vấn đề mà họ quan tâm, giải toả cảm xúc,…

Vì vậy, bài viết này không dành cho những còm sĩ có ăn lương cho việc đi còm của họ (tạm gọi là các dư luận viên/CAM).

Không thể phủ nhận, việc một ai đó tự nguyện làm một còm sĩ thường xuyên hay không thường xuyên đem lại rất nhiều mặt tích cực.

- Việc được trao đổi, chia sẻ thông tin nó giúp con người giải tỏa được tâm lý, cảm thấy gần gũi hơn, thế giới gần nhau hơn. Rất nhiều nghiên cứu đánh giá, những người thường hay viết nhật ký mạng dưới dạng Blog/web cá nhân, hay bày tỏ quan điểm của mình qua các comment là những người sống tích cực, họ ít bị rơi vào trạng thái trầm cảm, hay tự kỷ ám thị, ít khi tuyệt vọng về cuộc sống; chính đây là những căn bệnh ngày càng gia tăng trong cuộc sống công nghiệp và kỹ thuật số. Việc thường xuyên đọc/viết những quan điểm của mình nó cũng giống như việc “tập thể dục cho bộ não” làm cho nhiều người tuy lớn tuổi vẫn minh mẫn và không bị lú lẫn.

- Khi tham gia bày tỏ quan điểm, ý kiến của họ có thể là được đồng tình hoặc không đồng tình thậm chí là bị phản biện gay gắt, điều đó giúp họ có cái nhìn toàn diện hơn, xem xét vấn đề của cuộc sống như xem xét nhiều cạnh của khối lập thể. Chính những ý kiến bày tỏ trên mạng ảo đã khiến nhiều người kiểm soát mình, điều chỉnh hành vi, phát ngôn, nâng cao kỹ năng giao tiếp. Nếu biết tiếp thu và sàng lọc một cách thông minh tinh tế những ý kiến trên cộng đồng mạng, nói không ngoa đó chính là một “lớp học” đầy bổ ích, miễn phí cho những ai muốn thành công.

Rất nhiều những cá nhân, tài năng nhờ cộng đồng mạng mà nhiều người biết đến và được quảng bá miễn phí. Nhiều hoàn cảnh thương tâm, cũng nhờ những comment, những thông tin được chia sẽ trên trang mạng “ảo” mà họ đã nhận được sự giúp đỡ là có “thật”.

Ở các nước dân chủ tiến bộ, chính những thông tin trên mạng xã hội dân sự là một kênh thu thập tin tức lớn nhất và nhanh nhất giúp các nhà quản trị, nhà hoạch định chiến lược đưa ra những quyết định trong việc quản lý cũng như mở rộng thị trường, cho ra những sản phẩm đánh đúng vào nhu cầu thị hiếu của dân chúng.

Mạng xã hội hay trang blog cá nhân, vì được viết lên những suy nghĩ, cảm xúc ít được kiểm soát nhất nên nó thường phản ánh đúng trạng thái tâm lý mà đôi khi trong những giao tiếp trực diện, những quan hệ ngoại giao họ không sống thật như sống trong thế giới mạng.
Đó là ở các nước dân chủ, nơi mà quyền con người được đặt đúng vị trí đáng có của nó.

Còn ở những đất nước độc tài toàn trị, nơi mà truyền thông bị kiểm duyệt, mạng xã hội thực sự là mối đe doạ, là tấm kính “chiếu yêu” cho chế độ cầm quyền.

Vì xã hội không có dân chủ, mọi luồng tư tưởng, mọi lý tưởng gần như đều bị định hướng. Chính quyền nói “ông Hò Văn Tèn là thánh nhân, ông Hà Văn Tớn là thù địch” thì họ không muốn nhận những câu nói ngược lại. Những tuyên ngôn hay tung hô như “xã hội công bằng dân chủ văn minh”, “kinh tế thị trường theo định hướng xã nghĩa” nó phải được dán, được áp trương nhiều nơi, đập vào mắt mọi người để ai cũng nói theo nó như con vẹt dù nhiều khi họ chẳng hiểu ý nghĩa là gì. Thế nhưng, trên mạng xã hội, gần như lại là một không khí thật, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ thật. Có thể họ thắc mắc “sự lai căng kết hợp giữa cái kinh tế thị trường và định hướng xã nghĩa là gì?” thậm chí có người bảo, “tôi chưa bao giờ nghe bọn tư bản nói thế, tôi không hiểu”….tất cả gần như là cảm xúc thật.

Chính những cái comment của những còm sỹ này, dù có thể là ngớ ngẩn nó cũng là những “vấn đề” những kênh tin tức chia sẻ cho nhau, để người ta lật đi lật lại, nâng lên đặt xuống một khái niệm, một thông tin.

Nó càng nguy hiểm ở chỗ, trong số hàng nghìn thậm chí hàng vạn còm sỹ kia, có những người thực sự là chuyên gia cho một lĩnh vực nào đó. Những phân tích dựa vào những con số và sự kiện họ đưa ra, cộng thêm một chút khả năng về thuyết trình, những comment đó có sức chinh phục và lôi cuốn không khác một câu chuyện trinh thám, nhất là những thông tin mà nhà cầm quyền muốn che đậy, lèo lái và chế biến theo hướng có lợi cho chính họ. Chính những thông tin này nó đánh vào tâm lý “tò mò” ham tìm hiểu sự thật vốn dĩ nằm trong bản năng của con người. Chẳng ai muốn mình là kẻ bị lừa dối cả.

Một bài viết thường được chuẩn bị công phu, lựa chọn từ ngữ, câu chữ cho chuẩn mực. Comment thì khác, có thể chứa đựng nhiều lỗi chính tả, cú pháp chưa gẫy gọn. Thế nhưng độ “nóng” và đầy nhiệt huyết tâm tư tình cảm của còm sĩ gần như mới toanh. Người đọc cảm nhận được cả về nội dung cũng như cảm xúc mà người viết gửi vào. Nó cũng giống như người ta thưởng thức bia tươi so với bia đóng chai, dù chưa có đủ thời gian cho sự “lão hóa” nhưng những người sành điệu cũng sẽ khó cưỡng với độ hấp dẫn của nó.

Khi đó, còm sĩ trở nên thật đáng sợ. Họ như những viên nam châm hút về phía mình những mạt sắt có sức kéo thấp hơn. Những lời còm đầy “lửa” với những tri thức được truyền tải trong đó, nó có sức lôi cuốn, đủ mạnh để truyền nhiệt huyết, cho ra đời những lời còm tiếp theo. Cứ thế, người sau được bổ sung kiến thức bởi người trước, để rồi sau đó, chính họ lại là những còm sĩ thông minh không kém, truyền tải thông tin trên những diễn đàn khác . Sân khấu diễn đàn sẽ trở nên sôi động hơn, vấn để sẽ được mổ sẽ kỹ càng hơn để đưa người đọc tới một kết luận, một lựa chọn khả tín nhất, logic nhất.

 Sẽ là vô cùng buồn tẻ, khiếm khuyết, nếu chúng ta là những người tự thảo luận với chính mình, tự thầm thì với mình. Những ý kiến và suy nghĩ chẳng hề được phản biện. Ngay cả những trang web/blog đóng chế độ còm cũng không bao giờ là trang web/blog được yêu thích nhất. Khi đó thông tin chỉ truyền tải một chiều. Nó xóa bỏ mất cái nhu cầu cao nhất của con người trong sáu mức nhu cầu là  được thể hiện chính mình (theo thang nhu cầu của Maslow).

Nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, dù thờ ơ và chủ quan cho uy tín và quyền lực của mình tới đâu đi nữa họ cũng đã nhận ra sự “đáng sợ ” của những còm sĩ qua những lời còm. Nhất là trong thời gian vừa qua, nhiều diễn đàn web/blog  bị phá sập dù bài viết được đăng tải rất hạn chế, nhưng nó là nơi mà nhiều người vào đọc, nơi người ta bàn luận sôi nổi mọi vấn đề. Một nhà đấu tranh cho dân chủ sẽ trở nên lẻ loi, cô độc nếu không được dư luận biết tới. Thật may, ở những diễn đàn đó, mọi thông tin nóng hổi được chia sẽ với tốc độ chóng mặt. Nhà cầm quyền, với mọi thiết bị , công cụ và quyền lực trong tay, họ có thể đánh đập, trù dập, khủng bố, giam cầm hay giết chết  một cá nhân nào đó mà họ muốn, thế nhưng cái mà họ sợ vẫn là dư luận, là sự chính danh của một nhà nước lập hiến. Vì vậy những hành vi khuất tất vi hiến, họ luôn cố che đây bằng mọi cách. Chính diễn đàn, tai mắt của còm sĩ giúp mọi vấn đề được phanh phui. Không thể phủ nhận sự hấp dẫn của một diễn đàn khi nó phơi bày ra sự thật, những mặt trái của xã hội, những tư tưởng quan điểm khác hoàn toàn với nhà cầm quyền hiện nay. Lời còm của các còm sĩ có sức lan tỏa ghê gớm khi nó chinh phục đưọc ngày càng nhiều người, nói không ngoa còm sĩ là lực lượng đáng sợ khủng khiếp cho chế độ độc tài.

Theo quan sát và ghi nhận cá nhân của Lúa, một bài viết có thể có hàng trăm, thậm chí có hôm gần hai nghìn người đọc cho một entry nào đó. Thế nhưng, nếu mình tham gia vào một diễn đàn có số truy cập trung bình khoảng 150 nghìn lượt/ngày (tính trung bình 3-5lượt/người/ngày) thì mỗi ngày có khoảng 30-50 nghìn người đọc. Vậy thì sẽ có ít nhất 1/5- 1/3 số người, đọc lời còm của mình (sấp sỉ khoảng 10- 15 nghìn lượt đọc thông tin mà Lúa muốn gửi). Wow… kinh khủng chưa.

Một xã hội dân chủ là một xã hội mà mọi người đều có quyền bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân về một vấn đề nào đó mà họ quan tâm, miễn là ý kiến đó không đe dọa ai. Nó còn được nhà cầm quyền khuyến khích. Một nền giáo dục văn minh tiến bộ luôn luôn khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm của mình, nó là bài tập bắt buộc trong những môn ngoại khóa. Việc bày tỏ ý kiến cá nhân là bước khởi đầu thể hiện quyền làm người, quyền công dân của người đó.
Có rất nhiều người trí thức (xin cho phép Lúa miễn nói cụ thể) có đầy tâm huyết với vận mệnh đất nước, có nhiều bài viết rất hay truyền tải nhiều kiến thức thông tin bổ ích mà họ chỉ có thể gửi đến dân chúng thông qua các trang diễn đàn, trang blog cá nhân. Thế nhưng hình như các bác này không bao giờ hoặc rất ít khi còm trên diễn đàn. Có thể là do quan điểm/suy nghĩ rằng “diễn đàn là chỗ bát nháo, ồn ào mà mình là đẳng cấp cao hơn, không nên nhảy vào tranh luận” “còm trên đó sẽ làm hạ thấp uy tín và vị trí xã hội của mình” hay có thể là suy nghĩ “những còm sĩ trên diễn đàn này toàn là dân xoàng xĩnh, kém tấm, họ không đáng để mình trao đổi, chỗ của mình phải là những chỗ mô phạm hơn, trang trọng hơn”….

Đây là những suy nghĩ cá nhân, có thể không đúng hòan toàn nhưng tất cả những ai thực sự muốn thay đổi xã hội, muốn dân tộc này có được dân chủ thực sự mà nghĩ như thế là sai lầm.
Có gì nhanh hơn, lôi kéo người khác hơn, nâng cao dân trí hơn bằng những lời còm đầy tri thức, đầy thông tin chuẩn xác, những lời còm đầy những phân tích khoa học để ai đọc cũng hiểu một phần hay toàn bộ khi nó lại được thêm vào đó cả một tâm trạng “nóng hổi” của người viết còm? Khi người dân nhận ra rằng “ừ, cái diễn đàn A, cái blog B đó là đáng tin cậy lắm, có rất nhiều nhà khoa học chân chính, những người rất văn hóa và hiểu biết bàn luận trong đó” họ sẽ tìm đến như một lẽ đương nhiên.

Và các bác ơi chắc các bác chẳng phản đối Hai Lúa câu này “nói phải củ cải cũng nghe”. Đó chính là tiến trình, là bước đi cần có để tiến tới một xã hội dân chủ thực sự đấy ạ.
Làm một người lương thiện có ai lại không mơ tới một xã hội dân chủ bao giờ?

Hai Lúa

Nguồn :  Hai Lúa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More